Sunday, May 11, 2014

Đọc Lê Mai: Chiến lược "ba quả đấm" của Lê Duẩn


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. "Ngày 25.3.1975, lúc 18 giờ, Tổng tư lệnh (Võ Nguyên Giáp) gửi điện cho Trần Văn Trà và Quân ủy Miền, đồng gửi Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục: “…Thời cơ chiến lược đã đến. Cần tranh thủ thời gian cao độ, tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm, hành động táo bạo, bất ngờ, hoàn thành càng sớm càng tốt quyết tâm chiến lược lớn mà Bộ chính trị đã đề ra…Cần làm cho các cấp thông suốt hơn, tập trung lực lượng vào các mục tiêu chủ yếu. Thực hiện chiến lược ba quả đấm. Ký tên: Văn”. Có thể thấy, ngay một bức điện chỉ đạo chiến trường đang ở vào giai đoạn phát triển cực kỳ mau lẹ, ông Giáp cũng đã có ý giữ gìn. “Thực hiện chiến lược ba quả đấm” – câu ông Duẩn thường nói và là chiến lược ông Duẩn ưa thích.

Chiến lược "ba quả đấm” của Lê Duẩn  (1) & (2) là tài liệu nghiên cứu lịch sử xuất sắc của Lê Mai.

Tôi đồng tình với ý kiến của anh. Ông Giáp luôn ý tứ giữ gìn và thể hiện sự tôn trọng cao đối với ông Duẩn, như thí dụ từ bức điện nêu trên. Nhưng điều rất rõ ràng là ông Giáp cũng thực sự tâm đắc và thực hành đặc biệt nhuần nhuyễn, năng động và sáng tạo chiến lược tổng lực xuất sắc đó. Họ không còn riêng nữa mà hòa thành một khối:  “Ta đánh theo cách của ta là phải chính trị, quân sự kết hợp, phải là chiến lược tổng hợp với ba quả đấm, khác đó là không thắng được”. “Ba quả đấm” đó là: chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó cũng là ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; là ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; là ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Đường lối giành chiến thắng ... là đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, thực hiện chiến lược “ba quả đấm”, giành thắng lợi từng phần tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. Lê Duẩn là người được Hồ Chí Minh và Bộ chính trị giao đặc trách về miền Nam, “có trách nhiệm đề đạt về vấn đề này”. Lẽ đương nhiên, Lê Duẩn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định và thực thi đường lối ấy."

Chiến lược “ba quả đấm” của Lê Duẩn là câu chuyện lịch sử tư tưởng Việt Nam rất thú vị !

Hoàng Kim


Trân trọng chép lại và giới thiệu  tác phẩm của Lê Mai

CHIẾN LƯỢC" BA QUẢ ĐẤM" CỦA LÊ DUẨN (1)

Lê Mai


Blog Lê Mai, ngày 26 tháng 4 năm 2014.

Những ngày cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Bộ chính trị Bắc VN họp liên tục với lãnh đạo các chiến trường nhằm thảo luận kế hoạch giải phóng miền Nam. Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng, thường chủ trì các cuộc họp ấy. Sau Hiệp định Pari, người Mỹ ra đi, so sánh lực lượng bắt đầu có lợi cho Bắc VN. Thời cơ đã đến gần, song giành thắng lợi bằng cách nào là điều không hề đơn giản. Lê Duẩn phát biểu: “Ta đánh theo cách của ta là phải chính trị, quân sự kết hợp, phải là chiến lược tổng hợp với ba quả đấm, khác đó là không thắng được”.
“Ba quả đấm” đó là: chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó cũng là ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; là ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; là ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Đường lối giành chiến thắng của Bắc VN là đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, thực hiện chiến lược “ba quả đấm”, giành thắng lợi từng phần tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. Lê Duẩn là người được Hồ Chí Minh và Bộ chính trị giao đặc trách về miền Nam, “có trách nhiệm đề đạt về vấn đề này”. Lẽ đương nhiên, Lê Duẩn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định và thực thi đường lối ấy.
Đầu thập kỷ sáu mươi, Lê Duẩn đã nhận định: “cách mạng miền Nam không tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng quân sự giải phóng đất nước như TQ đã làm, mà đi con đường của VN, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền” (Thư vào Nam). (Lê Duẩn cũng đã bác bỏ một luận điểm về văn hóa sao chép cuộc tọa đàm văn nghệ Diên An của Mao trong thời kỳ chống Pháp ở Nam Bộ).
Khởi nghĩa là một luận điểm “ruột” của Lê Duẩn. Ông phân tích, một khi đông đảo người dân miền Nam vùng dậy khởi nghĩa, kết hợp với sức mạnh quân sự (tổng công kích – tổng khởi nghĩa) thì chính quyền Nam VN sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Khởi nghĩa là một hình thức đặc biệt của đấu tranh chính trị. Khởi nghĩa là sự vùng dậy của quần chúng ở nông thôn hoặc thành thị, dùng sức mạnh chính trị hoặc vũ trang, hoặc cả hai để giành chính quyền, bao gồm cả việc binh biến của một số đơn vị quân đội Nam VN. Nếu hiểu khởi nghĩa như vậy – Lê Duẩn nói, thì từ nhiều năm nay, ở Nam VN đã nhiều lần khởi nghĩa. Phong trào nông dân phá ấp chiến lược, phong trào sinh viên học sinh, phật giáo…là những cuộc tập dượt nhằm tiến tới khởi nghĩa ở thành thị. Từ đó, Lê Duẩn trả lời câu hỏi, trong điều kiện ở miền Nam đang có hơn một triệu quân Mỹ và quân Nam VN, liệu có khả năng khởi nghĩa hay không? Câu trả lời là có – nó là một phương hướng để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam.
Năm 1957, trước khi rời miền Nam để ra Bắc, Lê Duẩn đã ước lượng có khoảng bốn đến năm vạn người ở Sài Gòn sẵn sàng đấu tranh sống chết với chính quyền Nam VN. Hẳn rằng, đến năm 1968, số lượng người sẵn sàng vùng dậy khởi nghĩa tại đô thành Sài Gòn và các nơi khác sẽ lớn gấp nhiều lần. Đây là sức mạnh vô địch, là một trong những yếu tố hết sức quan trọng mà Lê Duẩn trù tính để giành chiến thắng quyết định trong Mậu Thân 68.
Cho nên, quả đấm chính trị được Lê Duẩn kỳ vọng rất lớn. Mà trung tâm của quả đấm chính trị là tổng khởi nghĩa. Song, không phải ai cũng nhất trí với lập luận đó, đặc biệt là giới quân sự – nếu xét tới vấn đề so sánh lực lượng, bấy giờ lực lượng Bắc VN chưa đến 30 phần trăm so với quân Mỹ và quân Nam VN. Sức mạnh của quả đấm chính trị sẽ được lịch sử nhanh chóng trả lời.
Trung tuần tháng 1 năm 1968, trong thư gửi Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam chuẩn bị cho Mậu Thân, Lê Duẩn chỉ rõ:
“Đế quốc Mỹ đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. So với mục đích chính trị, quân sự mà Mỹ đề ra, với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ thì những cố gắng chiến tranh của Mỹ ở VN hiện nay đã tới đỉnh cao nhất.
Tình hình trên đây cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Đây là thời cơ chiến lược lớn để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa”.
Mục tiêu chiến lược của Bắc VN trong Mậu Thân 68 như sau:
- Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân Nam VN, đánh đổ chính quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân.
- Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của quân Mỹ, làm cho họ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị, quân sự.
- Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua, chấm dứt chiến tranh, thực hiện mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập cho miền Nam VN, tiến tới thống nhất nước nhà.
Bắc VN cũng dự đoán tình hình phát triển theo ba khả năng:
- Thứ nhất, thắng ở trọng điểm (tức Sài Gòn), ở nhiều thành phố và vùng nông thôn quan trọng.
- Thứ hai, thành công ở một số thành phố và vùng nông thôn nhưng không thắng ở Sài Gòn.
- Thứ ba, chỉ giành được thắng lợi ở mức như các đợt hoạt động trước đây, chỉ khác là lần này mở rộng quy mô toàn miền Nam.
Làm thế nào để thắng ở Sài Gòn, thực hiện chiến lược “ba quả đấm” theo phương thức nào để giành chiến thắng quyết định – bài toán đặt ra cho Lê Duẩn và các nhà lãnh đạo Bắc VN quả không đơn giản.
So sánh lực lượng cho thấy, nếu không sử dụng tốt quả đấm chính trị, sẽ rất khó đạt được mục tiêu đặt ra. Yêu cầu của quả đấm chính trị là chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa cho đến thành công, đập tan chính quyền các các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển nhanh chóng lực lượng chính trị và vũ trang quần chúng. Sử dụng khẩu hiệu trung tâm: Độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo, ruộng đất, chấm dứt chiến tranh xâm lược, Mỹ rút quân về nước, chủ quyền thuộc về người VN.
Quả đấm chính trị chỉ có thể phát huy tác dụng khi quả đấm quân sự đi trước một bước, đó là tổng công kích. Tổng công kích sẽ tạo thời cơ và điều kiện cho tổng khởi nghĩa. Một khi quần chúng nhân dân đã chán ghét chế độ nào, họ sẵn sàng vùng dậy lật đổ chế độ đó. Tất nhiên, kế hoạch phải được tính toán kỹ và thực hiện một cách sáng tạo mới đem lại kết quả mong muốn.
Lê Duẩn nhấn mạnh, quả đấm quân sự là căng quân đối phương trên khắp các chiến trường miền Nam, kéo quân đối phương ra các chiến trường ta đã lựa chọn, dùng quả đấm chủ lực đánh gục các binh đoàn mạnh của đối phương; phản công đánh những đòn tiêu diệt lớn, bẻ gãy các cuộc hành quân “tìm diệt”. Một đòn khác nữa của quả đấm quân sự là nhằm vào các thành thị, sử dụng lực lượng tinh nhuệ, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não đối phương, làm cho đối phương rối loạn, choáng váng, không thể gượng dậy nổi.
Ý định sử dụng sức mạnh của quần chúng phối hợp với quả đấm quân sự để kích động khởi nghĩa thể hiện rất rõ trong nhiệm vụ giao cho Biệt động Sài Gòn. Theo kế hoạch, lực lượng phối hợp với biệt động đánh các mục tiêu gồm: Dinh Độc lập: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 200 thanh niên, sinh viên; Đài phát thanh: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 200 thanh niên, sinh viên; Bộ Tổng tham mưu: 2 tiểu đoàn mũi nhọn và 5 ngàn thanh niên, sinh viên; Biệt khu thủ đô: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 1 ngàn thanh niên, sinh viên; khám Chí Hòa: 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 1 ngàn thanh niên, sinh viên; Tổng nha cảnh sát: 2 tiểu đoàn mũi nhọn và 1 ngàn thanh niên, sinh viên; Bộ tư lệnh Hải quân 1 tiểu đoàn mũi nhọn và 200 thanh niên, sinh viên. (Thực tế, không có một tiểu đoàn mũi nhọn nào và cũng không có lực lượng thanh niên, sinh viên nào phối hợp, tiếp sức cho biệt động. Tư Chu – chỉ huy biệt động Sài Gòn đã báo cáo với các ông Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng trong nước mắt: Tôi có cảm giác là họ đã hy sinh tất cả !).
Phối hợp chặt chẽ với quả đấm chính trị và quả đấm quân sự là quả đấm ngoại giao. Bắc VN cho rằng, cùng với hành động leo thang chiến tranh, các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tiếp xúc đàm phán với Bắc VN chỉ là một mánh khóe nhằm đánh lừa dư luận thế giới, che đậy những hành động tội ác của họ. Thời cơ đàm phán chưa tới.
Tháng 2.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời một lá thư của Tổng thống Johnson, Bắc VN sẽ không nói chuyện dưới sự đe dọa của bom đạn. Nhưng, vào tháng Tư, theo nhà nghiên cứu Ilya V.Gaiduk, một lá thư nữa của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh được gửi trả lại ngay trong cùng ngày cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow. Mặc dù tình báo Mỹ phát hiện lá thứ đã bị bóc, Hà Nội đã biết nội dung nhưng Hoa Kỳ không bao giờ nhận được câu trả lời.


CHIẾN LƯỢC" BA QUẢ ĐẤM" CỦA LÊ DUẨN (2)

Lê Mai


Blog Lê Mai, ngày 28 tháng 4 năm 2014.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Mậu Thân 68, Lê Duẩn nói: “Để phối hợp với tổng khởi nghĩa, có một vấn đề quan trọng là vấn đề ngoại giao…Đây là vấn đề quan trọng lắm, vì Mỹ đang bị động trên thế giới, nó đang ở trong thế khó khăn nhất, nhưng nó lại là kẻ mạnh. Lịch sử VN ta đánh giặc rồi kêu giặc, đánh giặc mãi mãi không được…Vấn đề ngoại giao, các đồng chí Bộ ngoại giao đang thảo luận, có thể ta với Mỹ bàn với nhau, bốn bên bàn nhau đã, rồi có hội nghị quốc tế thế nào đó…mà giải quyết”.
Trong buổi tiếp đoàn ngoại giao nhân năm mới 1968, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã phát ra một tín hiệu đặc biệt, ông loan báo vấn đề giải pháp cho cuộc xung đột:
“Chính phủ Mỹ nói rằng họ muốn đàm phán với Hà Nội nhưng không hề được đáp ứng. Nhưng nếu chính phủ Mỹ thực sự muốn đàm phán, thì trước tiên Mỹ phải ngừng vô điều kiện các cuộc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống VNDCCH. Sau khi Mỹ ngừng vô điều kiện các cuộc ném bom và các hành động chiến tranh chống VNDCCH, VNDCCH sẽ đàm phán với Mỹ về những vấn đề liên quan”.
Người ta thấy, sự hiện diện của ông Phạm Văn Đồng trong buổi lễ, đứng sau ông Nguyễn Duy Trinh và mỉm cười đầy ý nghĩa dường như đã làm tăng thêm phần quan trọng cho những phát biểu của ông Trinh. Tuyên bố của Nguyễn Duy Trinh cũng được Hà Nội phát bằng tiếng Anh trên băng tần sóng ngắn quốc tế nhằm đảm bảo Hoa Kỳ chắc chắn nhận được.
Thực ra, đấy chỉ là một động tác đánh lạc hướng Hoa Kỳ được Bắc VN tính toán rất kỹ, dưới một hình thức mới nhằm che đậy cuộc tấn công sắp diễn ra.
Ba quả đấm chính trị, quân sự, ngoại giao trong Mậu Thân 68, tuy không giành được thắng lợi quyết định, song đã làm rung động nước Mỹ. Cả hai bên đều phải chịu nhiều tổn thất lớn – lớn hơn bất cứ thời kỳ nào của cuộc chiến tranh.
Tổn thất của Bắc VN trong Mậu Thân 68, theo cuốn Lịch sử Bộ chỉ huy Miền 1961-1967 là 113.295 người, trong đó hy sinh 44.824 người, không kể 10 ngàn người đào ngũ. Song, so sánh tỷ lệ tổn thất “địch – ta” là 6/1, một tỷ lệ đáng ngạc nhiên.
Điều bất ngờ là khởi nghĩa đã không nổ ra, trái với dự đoán và kỳ vọng rất lớn của Lê Duẩn. Mặc dù tung quả đấm quân sự liên tục với đợt 2, đợt 3 nhưng khởi nghĩa cũng chẳng thấy “nổ” gì hết. Rõ ràng, quả đấm chính trị đã không đem lại kết quả mong đợi.
Câu hỏi rất lớn đặt ra là: Vì sao khởi nghĩa đã không nổ ra ?
Lê Đức Thọ – người đã nhanh chóng vào miền Nam chỉ đạo cuộc tấn công Tết, hai mươi năm sau, trong bài Mấy vấn đề về Tết Mậu Thân, đánh giá: “Hồi ấy ở Sài Gòn…không có nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng. Đánh như vậy thì chỉ đạt kết quả như vậy thôi. Thực tiễn đó đã chứng tỏ ta không đạt được mục đích chiến lược đề ra từ đầu. Ngay như ở Huế, dù đợt 1 ta giành thắng lợi như thế mà quần chúng có nổi dậy khởi nghĩa được đâu. Ngay cả khi đã chiếm được thành phố một thời gian rồi, quần chúng cũng đã sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa đâu ? ”.
Theo Lênin, thời cơ tổng khởi nghĩa gắn chặt với tình thế cách mạng. Và tình thế cách mạng chỉ xuất hiện khi và chỉ khi giai cấp cách mạng sẵn sàng hy sinh vì cách mạng; các giai cấp trung gian có thái độ chống chính phủ, ủng hộ cách mạng hoặc ít ra là giữ thái độ trung lập; giai cấp thù địch với cách mạng khủng hoảng, khó khăn, bị suy yếu.
Tại Mậu Thân 68, khởi nghĩa đã không nổ ra, điều đó có nghĩa là các điều kiện cho sự xuất hiện tình thế cách mạng chưa có hoặc chưa chín muồi. Liệu có phải có hàng chục vạn người dân Sài Gòn sẵn sàng đấu tranh sống chết với chính quyền Nam VN ?
Lê Đức Thọ: “…nhìn vào phong trào quần chúng ở các đô thị mà không phân tích cho kỹ thì rất dễ bị lầm…một số cuộc biểu tình, một số cuộc rối ren giáo phái nổ ra…có cả vụ tự thiêu của Phật tử nữa…Tuy nhiên, đó chỉ là biểu hiện những mâu thuẫn nội bộ của bọn tay sai địch chứ chưa phải là phong trào quần chúng sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa ở đô thị”.
Nếu vậy, những luận điểm của Lê Duẩn về sức mạnh của quả đấm chính trị mà vấn đề trung tâm là tổng khởi nghĩa ở miền Nam nên hiểu như thế nào ?
Tại Mậu Thân 68, quả đấm chính trị không đưa đến tổng khởi nghĩa, ba quả đấm quân sự liên tiếp (các đợt 1, 2, 3) chịu nhiều tổn thất, cuối cùng phải rút ra khỏi tất cả các đô thị. Bắc VN liền đẩy mạnh chiến lược “vừa đánh vừa đàm” – quả đấm ngoại giao.
Lê Duẩn, vào đầu tháng 5.1968, đã gặp tham tán Sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, thông báo cho ông ta biết quyết định của Bắc VN chọn Pari làm nơi đàm phán với Hoa Kỳ. Ông yêu cầu Liên Xô thuyết phục Hoa Kỳ chấp nhận địa điểm đàm phán nêu trên. Song, Liên Xô chẳng cần phải làm việc đó, bởi vì ngay sau khi Hà Nội tuyên bố đề nghị Pari là nơi đàm phán và tên nhà đàm phán chính là Xuân Thủy, Hoa Kỳ đã nhanh chóng chấp thuận. Ngay sau đó, Lê Đức Thọ cũng được Hồ Chí Minh gọi từ miền Nam ra Hà Nội để chuẩn bị đi Pari làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn VNDCCH.
Lê Duẩn rất quan tâm đến cuộc hòa đàm Pari. Ông nói với Lê Đức Thọ: “Anh sang bên đó, một điều không được thay đổi là Mỹ rút và mình không rút” – tức là quân Bắc VN ở lại miền Nam. VNDCCH không dễ gì lặp lại điều khoản của Hiệp nghị Geneve là tạo ra các vùng tập kết và chuyển quân. Phương án tốt nhất là duy trì thế “da báo” hiện có. Vấn đề này cuối cùng Hoa Kỳ phải chấp nhận, bởi vì chiến lược toàn cầu của họ đã thay đổi. VNCH không còn là ưu tiên trong chính sách của Hoa Kỳ nữa. Ngày 27.1.1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN đã được bốn bên ký kết tại Pari.
Chiến lược “ba quả đấm”, “vừa đánh, vừa đàm” đã đưa đến thời cơ chưa từng có cho Bắc VN sau Hiệp định Pari.
Khi chỉ đạo dự thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, Lê Duẩn thường nhấn mạnh khả năng phát động tổng khởi nghĩa kết hợp với tổng công kích, lấy địa bàn chủ yếu là thành thị để giải phóng miền Nam. Ông đặt tổng khởi nghĩa lên trước, tức là ưu tiên quả đấm chính trị.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sau khi nghiên cứu giai đoạn cuối của các cuộc chiến tranh trên thế giới, thấy rằng đều phải có những trận đánh lớn mới đi đến kết thúc chiến tranh. Ông nhiều lần trao đổi, bàn bạc với Lê Duẩn và sau cùng ông Duẩn nhất trí là phải sử dụng quả đấm quân sự mạnh, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giải phóng miền Nam.
“Tướng Lê Hữu Đức, thời gian ấy là cục trưởng Cục Tác chiến, thường xuyên phải làm việc với Lê Duẩn và trực tiếp ghi chép các ý kiến khác nhau trong Bộ Chính trị, kể: “Anh Lê Duẩn cứ cằn nhằn tôi: sao Cục Tác chiến không thích tổng khởi nghĩa. Khi phương án ‘tổng công kích’ được chọn rồi, ông lại nói: đã tổng công kích sao không công kích thẳng vào Sài Gòn mà lại chọn Buôn Mê Thuột ?” (Huy Đức: Bên thắng cuộc).
Dường như quả đấm chính trị luôn được Lê Duẩn ưu tiên hàng đầu trong chiến lược giành chiến thắng ở miền Nam.
Trên thực tế, không có tổng khởi nghĩa trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Và cũng không có bất cứ một đơn vị nào của quân đội VNCH làm binh biến cả !
Lê Đức Thọ đánh giá: “Theo tôi, suốt 15 năm chiến tranh chống Mỹ, thực tế không có trường hợp nào quần chúng ở các đô thị nổi dậy tổng khởi nghĩa được. Xem như khi đã giải phóng Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và nhiều thành phố tỉnh lỵ khác thì cũng đủ biết là những nơi đó không hề có phong trào quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa”.
Và Lê Đức Thọ kết luận: “Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng Lênin không bao giờ có sai lầm gì. Nay mới biết là Lênin cũng có lúc chủ trương sai…Vì thế, cái quan trọng của lãnh đạo không phải là đề ra chủ trương không bao giờ sai hoặc lúc nào cũng đúng ngay. Điều đó khó lắm. Mà vấn đề là ở chỗ có thấy được cái sai và chuyển kịp thời hay không”.
Ngày 25.3.1975, lúc 18 giờ, Tổng tư lệnh gửi điện cho Trần Văn Trà và Quân ủy Miền, đồng gửi Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục:
“…Thời cơ chiến lược đã đến. Cần tranh thủ thời gian cao độ, tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm, hành động táo bạo, bất ngờ, hoàn thành càng sớm càng tốt quyết tâm chiến lược lớn mà Bộ chính trị đã đề ra…Cần làm cho các cấp thông suốt hơn, tập trung lực lượng vào các mục tiêu chủ yếu. Thực hiện chiến lược ba quả đấm. Ký tên: Văn”.
Có thể thấy, ngay một bức điện chỉ đạo chiến trường đang ở vào giai đoạn phát triển cực kỳ mau lẹ, ông Giáp cũng đã có ý giữ gìn. “Thực hiện chiến lược ba quả đấm” – câu ông Duẩn thường nói và là chiến lược ông Duẩn ưa thích.

Video yêu thích   
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khaoch xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con
 

No comments:

Post a Comment