Friday, August 29, 2014

Thành phố Hồ Chí Minh điểm du lịch chính


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM.  Những biểu tượng Sài Gòn sống mãi cùng năm tháng có chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, nhà Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh, dinh Thống Nhất, chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà hát Thành phố , tòa nhà Tổng Giám Mục. Khánh Ly  tổng hợp thông tin này trên VNExpress thật thú vị.

Quần thể di sản địa lý, lịch sử, văn hóa Dinh Thống Nhất, Hồ Con Rùa và công viên Tao Đàn (nguyên là Dinh Độc Lập trước năm 1975 và trước đó là Dinh Norodom )
  là vùng không gian
di sản địa lý, lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc của Sài Gòn Gia Định xưa và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã xếp hạng Dinh Độc Lập là di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Dinh Độc Lập do kiến trúc sư khôi nguyên La Mã  Ngô Viết Thụ  thiết kế và thi công. Ông đã gửi lại bốn kế sách chấn hưng đất nước qua bốn công trình chính mang chữ THỤ tên ông. Đó là chữ T dinh Độc Lập, chữ H chợ Đà Lạt, chữ U Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn và dấu nặng (.) là Hồ Con Rùa.

Dinh Độc lập hình chữ T với ý nghĩa đất nước muốn giàu mạnh trước hết phải giữ vững chủ quyền Quốc gia, lãnh đạo đất nước phải minh quân hiền tài. Kế đến là biểu tượng Chợ Đà Lạt hình chữ H với ý nghĩa trọng tâm của nổ lực quốc gia phải là phát triển kinh tế (phi thương bất phú). Tiếp đó là biểu tượng Trường Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn hình chữ U với ý nghĩa phải chấn hưng
giáo dục đại học đặc biệt là nông nghiệp (dĩ nông vi bản) vì quá nữa người Việt làm nghề nông. Và sau cùng là biểu tượng Hồ Con Rùa với ý nghĩa thượng tôn pháp luật. 

Việt Nam là đất nước mà khát vọng thống nhất Tổ Quốc, hòa hợp dân tộc, chống sự can thiệp của ngoại bang "chia để trị" đã thấm vào máu thịt. "Nam Bộ là thịt của thịt Việt Nam là máu của máu Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi". Dinh Thống Nhất (thay thế cho Dinh Độc Lập trước đó là Dinh Norodom) và Hồ Con Rùa  "mắt ngọc của đầu rồng" và vườn Tao Đàn " lá phổi xanh thành phố", là một  vùng tâm linh sâu thẳm.        


Bạn hãy đến thăm
Giếng Ngọc Đền Hùng trong vườn Tao Đàn, trục chính thẳng hướng  ngay phía sau hậu chẩm của Dinh Thống Nhất . Nơi đó có đền vua Hùng với mẫu Việt Nam, Bác Hồ và mẫu Phương Nam .

Giếng Ngọc đền Hùng biểu trưng bằng một đôi nam nữ thanh xuân và mạch nước ngầm mát rượi, an lành cùng với đất đai, cỏ cây, con người làm nên đất nước 

Tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một biểu tượng đặc biệt trong nhiều danh thắng của thành phố Hồ Chí Minh.

Các địa điểm tham quan du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh , Địa danh du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Mười công trình kiến trúc nổi tiếng Sài Gòn, Những công trình kiến trúc nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minhfacebook hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu nhiều danh thắng như  Chùa Giác Lâm, bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng), Việt Nam Quốc Tự, Nam Thiên Nhất Trụ - Chùa Một Cột Miền Nam, chùa Bát Bửu Phật Đài, chùa Hoằng Pháp, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Địa đạo Củ Chi, Đường hầm sông Sài Gòn, Tòa nhà cao tầng Bitesco.

 Hoàng Kim

 

Xem thêm:

Những biểu tượng Sài Gòn sống mãi cùng năm tháng

Khánh Ly


Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Chùa Vĩnh Nghiêm, Tòa nhà Tổng giám mục... gắn bó với người Sài Gòn hàng trăm năm nay. Những địa danh này đến nay vẫn còn lưu giữ và được nhắc mãi.



 

 

Chợ Bến Thành do một người Pháp chụp năm 1964 (ảnh trên) và năm 2014 (ảnh dưới), hình ảnh của cửa Nam chợ nhìn ra công viên Quách Thị Trang trên đường Lê Lợi. Nhắc đến Sài Gòn, nhiều người nghĩ ngay đến chợ Bến Thành như một biểu tượng riêng biệt và đáng nhớ. Nhìn chung kiến trúc của chợ ngày nay không có nhiều thay đổi với diện tích hơn 13.000 m2, 4 cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc và 12 cửa phụ xen kẽ xung quanh. Song cách thức kinh doanh buôn bán của tiểu thương đã ngày càng hiện đại hơn. Chợ Bến Thành cũng là chợ đầu tiên ở Sài Gòn mà khách mua sắm có thể thanh toán trực tiếp bằng thẻ visa. Bà Trần Thị Bê, 67 tuổi, bán hàng may mặc nói: “Hai má con tôi buôn bán ở chợ Bến Thành từ năm tôi 12 tuổi. Ngày xưa tôi chở trái cây từ Củ Chi theo xe ngựa lên chợ ngồi bán, chợ tấp nập đông vui quanh năm”. Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Địa danh thứ hai chắc chắn nhiều người sẽ nhớ tới khi nói về Sài Gòn là Nhà thờ Đức Bà, mô hình thu nhỏ của Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ cổ và kiến trúc tiêu biểu của thành phố với tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1877 đến 1880. Năm 1895 (ảnh trên) nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m. Đến năm 1958 thì tượng Đức Mẹ Hòa Bình được tạc thêm bằng đá cẩm thạch trắng Carrara của Italy, đặt ở cửa phía Đông nhìn sang tòa nhà Metropole đường Đồng Khởi hiện nay (ảnh dưới). Vào dịp Giáng sinh, nhà thờ là nơi cử hành lễ đón chúa Hài Đồng lớn nhất thành phố với hàng chục nghìn người tham gia, khu vực này chỉ có thể đi bộ. Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Nằm kế Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Sài Gòn được xây dựng trong 5 năm, từ 1886 đến 1891 với thiết kế do kiến trúc sư người Pháp Villedieu vẽ. Kiến trúc bưu điện pha trộn lối kiến trúc cổ điển Châu Âu và kiến trúc truyền thống Châu Á, là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài. Kiến trúc bên ngoài Bưu điện trung tâm năm 1963 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới) hầu như ít thay đổi. Ngày nay khách đến bưu điện vẫn có thể gặp một ông cụ đã hơn 80 tuổi cặm cụi viết thư thuê cho khách, công việc ông đã làm đến nửa đời người. Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Tòa nhà Bảo tàng lịch sử TP HCM được xây dựng từ năm 1885 và hoàn thành năm 1890, theo đồ án của kiến trúc sư người Pháp là Alfred Foulhoux. Mục đích xây dựng ban đầu là làm nhà trưng bày sản phẩm Nam Kỳ nhưng xây xong Thống đốc Nam Kỳ lấy làm tư dinh. Sau năm 1975, tòa nhà được chọn làm Bảo tàng Cách mạng TP HCM, nay được gọi là Bảo tàng lịch sử TP HCM. Xây dựng lúc đầu hai bên cửa chính tòa nhà là hai bức tượng nữ thần (ảnh trên), năm 1943 viên thống đốc Haeffel tháo gỡ tượng và xây cửa có mái che như hiện nay (ảnh dưới). Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Tiền thân của Dinh Độc lập là Dinh Thống đốc Nam kỳ tên Norodom, do kiến trúc sư người Pháp Hermite thiết kế năm 1868. Sau nhiều lần bị ném bom và hư hại, năm 1962, dinh được san bằng rồi xây mới theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và khánh thành năm 1966. Dinh cao 26 m, rộng 4.500 m2, với 100 phòng gồm 3 tầng chính và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp, hệ thống hầm ngầm kiên cố. Địa danh này chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử thăng trầm của thành phố từng được ví là Hòn ngọc phương Đông. Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng miền Nam đã húc đổ cánh cửa sắt Dinh Độc lập, đánh dấu thời khắc lịch sử của Sài Gòn. Quá trình chuyển giao và tiếp nhận chính thể mới cũng diễn ra tại đây. Sau 1975, Dinh Độc Lập đổi tên thành Dinh Thống Nhất, ngày nay trở thành địa điểm tham quan lịch sử của du khách khi đến với Sài Gòn. Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Chùa Vĩnh Nghiêm trước đây (ảnh trên) và năm 2014 (dưới) không có thay đổi đáng kể về kiến trúc tòa pháp đường chính. Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 6.000 m2 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Chùa Vĩnh Nghiêm tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20. Từ dưới sân lên tòa nhà trung tâm có ba cầu thang rộng gồm 23 bậc thang. Những dịp lễ tết, rằm, đông đảo phật tử, người dân thành phố đến chùa để khấn vái, cầu bình an. Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Nhà hát Thành phố được người Pháp khởi công năm 1898, khánh thành năm 1900 nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của giới thượng lưu Sài Gòn bấy giờ. Trải qua gần 100 năm chiến tranh với nhiều biến đổi về kiến trúc và mục đích sử dụng, nhân dịp kỷ niệm 300 năm khai sinh thành phố Sài Gòn, năm 1998 chính quyền thành phố đã đại tu bổ nhà hát với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu. Một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa... được phục chế. Ảnh: Khánh Ly.

 

 

Tòa nhà Tổng giám mục có ba tầng với những ô cửa sổ mái vòm và lợp ngói đỏ. Tòa nhà nằm ở số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, hiện nay (ảnh dưới) vẫn giữ nguyên nét kiến trúc so với hơn 100 năm trước (ảnh trên). Ảnh: Khánh Ly.

Khánh Ly (Tổng hợp)
(Nguồn: VNExpress)
Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính
 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Wednesday, August 20, 2014

Bao giờ Việt Nam có đại học đẳng cấp quốc tế?


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có loạt ba bài viết gần đây về đại học đẳng cấp quốc tế:  "Mơ đẳng cấp quốc tế nhưng hành động ‘khác người’?". "Giáo sư đem lại danh tiếng cho trường đại học? "  "Bao giờ Việt Nam có đại học đẳng cấp quốc tế?" Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn bình luận: "Vấn đề xoay quanh vòng tròn luẩn quẩn: thiếu người tài dẫn đến nghiên cứu kém chất lượng, nghiên cứu kém chất lượng dẫn đến đại học không có tiếng tốt, đại học không có tiếng tốt dẫn đến khó thu hút người tài. Bốn yếu tố trên tương tác với nhau. Có giáo sư giỏi thì mới có nghiên cứu khoa học có phẩm chất tốt; nghiên cứu sẽ tạo ra “ngôi sao”; ngôi sao sẽ đào tạo sinh viên giỏi; sinh viên giỏi mang tiếng thơm cho trường. Bản thân giáo sư giỏi qua công bố quốc tế cũng tạo danh cho trường. Tôi nghĩ tất cả đều bắt đầu từ con người và nghiên cứu khoa học. Các trường đại học Việt Nam  thiếu cả hai thì rất khó trở thành “đẳng cấp quốc tế” trong tương lai gần. "Tài liệu dưới đây là sự chép lại hệ thống ba bài viết này để đọc lại và suy ngẫm.

Mơ đẳng cấp quốc tế nhưng hành động ‘khác người’?

GS Nguyễn Văn Tuấn

19-08-2014
Rơi rớt tư duy bao cấp
Có các trường đại học đẳng cấp quốc tế, nằm trong bảng xếp hạng Top 500, 200 khu vực và thế giới là mong muốn, mục tiêu của Chính phủ, cũng như là đích phấn đấu của nhiều lãnh đạo các đại học VN. Thế nhưng, trong thực tế đây đó vẫn còn những tư duy lỗi thời về nghiên cứu khoa học (NCKH), và có thể nói là làm cản trở sự hội nhập của đại học VN.
NCKH là hoạt động không thể thiếu của một đại học nếu muốn vươn đến đẳng cấp thế giới. Một thành quả quan trọng của NCKH là công bố quốc tế, có thể là tại các hội nghị khoa học uy tín hoặc trên các tập san khoa học có bình duyệt. Do đó, trường đại học tại các nước tiên tiến thường có chính sách khuyến khích nghiên cứu sinh, giảng viên, nhà khoa học nâng cao sự hiện diện trong các hội nghị và trên các tập san qua các bài giảng và bài báo khoa học.
Thế nhưng ở VN, vẫn còn những đại học mà lãnh đạo chưa khuyến khích hoạt động này. Chẳng hạn, đối với nhà khoa học, việc tham dự và trình bày kết quả trong các hội nghị quốc tế hàng năm là rất quan trọng. Vậy mà có đại học lại ra qui định giảng viên không được đi dự hội nghị nước ngoài quá 2 lần/ năm, không có ngoại lệ! 
Thoạt nghe, qui định này cũng có lí, nhằm ngăn ngừa những người lợi dụng hội nghị để… đi chơi. Nhưng đi dự hội nghị khoa học cũng có vài tư cách khác nhau: người tham dự, không có trình bày báo cáo; người đi dự có báo cáo; và quan trọng hơn cả là người được mời đến giảng.
Người được mời giảng được xem là một người có đóng góp quan trọng, nên ban tổ chức thường lo tiền vé máy bay cũng như ăn ở. Sự có mặt của họ trong các hội nghị, trên bục giảng là vinh dự cho trường đại học họ đại diện, là một cách quảng bá tuyệt vời cho tên tuổi trường. Tuy nhiên, với qui định hạn chế số lần đi dự hội nghị nước ngoài, vinh dự này cũng có thể “tan thành mây khói”.


Ở các đại học phương Tây, có những giáo sư uy tín đi nước ngoài giảng thường xuyên như… “đi chợ”. Trường không cần chi trả cho họ đồng nào mà còn được lợi về danh tiếng. Cứ mỗi cuối năm, trường đại học thường hay “khoe” trong báo cáo về số giảng viên và nhà khoa học của trường được mời đi báo cáo ở nước ngoài.
Còn nếu nói cần ngăn ngừa các trường hợp “đi chơi” thì cũng có nhiều cách khác. Chẳng hạn, ở Viện Garvan của tôi, người ta không hạn chế số lần đi dự hội nghị, miễn là phải có báo cáo được chấp nhận cho trình bày, và phải báo cáo thời gian dự hội nghị, thời gian giải trí để họ trả lương thích hợp.
Nói về mời giảng, tôi liên tưởng đến câu chuyện vị lãnh đạo của một đại học VN phàn nàn tại sao ban tổ chức hội nghị lại gửi giấy mời trực tiếp cho giáo sư của trường. Theo ông, họ phải gửi cho hiệu trưởng, và ban giám hiệu sẽ phân công người đi dự hay đi giảng bài! Có lẽ đây là một tư duy độc đoán còn sót lại thời bao cấp, cái gì cũng phải qua lãnh đạo và nó cho thấy ông ấy không am hiểu “luật chơi” của khoa học quốc tế.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Một vấn đề khác là công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế có khi phải trả tiền ấn phí, thường khoảng 400 - 1000 USD. Nhiều trường đại học ở VN ý thức được tầm quan trọng của hoạt động này, nên rất khuyến khích giảng viên, nhà khoa học và sẵn sàng trả tiền ấn phí.

Tuy nhiên, vẫn có những đại học lớn, thậm chí tầm quốc gia chẳng những chưa xem trọng công bố quốc tế, mà nếu giảng viên có công bố thì cũng không trả tiền ấn phí. Lãnh đạo các đại học này suy nghĩ rằng, việc công bố là đem lại lợi ích cho cá nhân của giảng viên, chẳng liên quan gì đến trường! Theo tôi, đó là một tư duy thiển cận. Công bố quốc tế là một cách đóng góp để nâng cao sự hiện diện của khoa học VN trên trường quốc tế. Ở nước ngoài, khi giảng viên có bài trên các tập san uy tín, người ta tổ chức ăn mừng và thưởng cá nhân tác giả đến hàng nghìn USD. Ngay như tại TQ, các đại học cũng có ngân sách khuyến khích công bố quốc tế bằng cách thưởng tiền tuỳ theo hệ số ảnh hưởng của tạp chí. Một điểm nữa, ở các đại học phương Tây, người ta khuyến khích (có nhiều nơi qui định) nghiên cứu sinh công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi bảo vệ luận án; hoặc nếu không kịp thì cũng công bố trong các hội nghị chuyên ngành có uy tín. Nhưng ở VN, có đại học lại ra qui định nghiên cứu sinh không được công bố bài báo khoa học trước khi bảo vệ luận án! Đây là một qui định “ngược”, ngay cả đối với phần lớn các đại học VN.

Còn nhiều qui định và những “câu chuyện nho nhỏ” như thế trong thực tế. Bề ngoài, chúng có vẻ rất nhỏ nhặt, nhưng thực tế đó là sản phẩm của những tư duy lỗi thời, bao cấp, độc quyền và làm cản trở sự hội nhập của đại học VN trên trường quốc tế. Quan điểm và chính sách chung của Chính phủ thì khá rõ ràng, nhưng khi xuống đến đại học thì mỗi nơi lại hiểu và làm mỗi khác, có lẽ tuỳ thuộc vào cá nhân lãnh đạo. 


Nếu lãnh đạo là nhà khoa học từng làm nghiên cứu, từng biết cái gian nan của công bố quốc tế cũng như ý nghĩa của nó, thì hẳn rất thấm chủ trương của Chính phủ và tạo điều kiện cho giảng viên công bố quốc tế. Nhưng nếu lãnh đạo đại học chưa quen với qui trình đó thì cách hiểu về “đẳng cấp quốc tế” có thể chưa thấu đáo và dẫn đến những qui định khó hiểu.  

Có lẽ đã đến lúc phải “thống nhất tư tưởng” về NCKH và tầm quan trọng của nó trong việc nâng cao uy danh của đại học và danh dự VN. Trong bảng xếp hạng đại học của nhóm QS, nghiên cứu khoa học chiếm 60% điểm xếp hạng. Sự thật đơn giản này cho thấy nếu đại học VN muốn có tên trong bảng xếp hạng “Top 500” hay “Top 200” thì phải nâng cao NCKH và chất lượng công bố quốc tế. Ngay cả những đại học chưa có mộng có tên trong QS (hay bất cứ bảng xếp hạng nào) vẫn phải xem công bố quốc tế là quan trọng, vì nghĩa vụ đóng góp vào khoa học VN. NCKH bắt đầu từ con người, cụ thể là giảng viên và nhà khoa học. Do đó cần phải khuyến khích (bằng tiền thưởng hay các hình thức sự nghiệp khác) và ghi nhận xứng đáng các nhà khoa học có công trình công bố quốc tế.   

Giáo sư đem lại danh tiếng cho trường đại học?
 
GS Nguyễn Văn Tuấn
 
19-08-2014  

Có người cho rằng không có giáo X kia thì ai biết đến đại học Y. Nói cách khác, họ cho rằng sự danh tiếng [nếu có] của đại học Y là nhờ vào danh tiếng [nếu có] của giáo sư X. Tất nhiên, chúng ta chỉ nói đại học ở VN (vì đại học nổi tiếng ở nước ngoài thì là một câu chuyện khác). 
Tôi nghĩ quan điểm “nhờ X thì Y mới nổi tiếng” là một sai lầm, nếu không muốn nói là ảo tưởng. Chúng ta phải hiểu “nổi tiếng” ở đây là có tiếng tốt, chứ không phải tiếng xấu. Tiếng tốt rất khó định lượng cho chính xác. Trường thì có tiếng về ngành kinh tế, nhưng kém với khoa học; trường thì vang danh về y khoa; lại có trường nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Có trường sinh viên ra tìm việc làm dễ và nhanh, có trường tốt về cơ sở vật chất, lại có trường giỏi về nghiên cứu khoa học. Làm sao cân đo đong đếm các khía cạnh đó là một vấn đề nan giải. Người ta thường dựa vào các bảng xếp hạng đại học trên thế giới để đánh giá cái gọi là “nổi tiếng”. Có tên trong các bảng xếp hạng “Top 500” có thể xem là nổi tiếng. Chắc chắn không chính xác 100%, nhưng đại khái các bảng xếp hạng cũng phản ảnh khá đúng với cảm nhận của công chúng. Ví dụ như nói Mahidol University, ai cũng biết là ở Thái Lan và nổi tiếng; nói đến Stanford, ai cũng biết trường này ở Mĩ và nổi tiếng. Bảng xếp hạng do đó có thể xem là một dấu ấn gián tiếp (surrogate marker) của nổi tiếng.

Không có đại học nào của VN là có tiếng trên trường quốc tế. Thật vậy, cho đến nay chẳng có bất cứ một đại học nào của VN nằm trong bảng xếp hạng danh tiếng của QS, THE, AWRU. Điều này dễ hiểu, bởi vì các đại học VN còn rất lu mờ trong nghiên cứu khoa học. Chẳng ai biết và cũng chẳng ai quan tâm đến đại học VN vì họ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý cho khoa học và cho cộng đồng quốc tế. Ngay cả các đại học lớn trong vùng cũng chẳng xem các đại học VN ra gì, vì khoảng cách về nghiên cứu giữa họ và các đại học hàng đầu ở VN quá xa và càng xa theo thời gian.

VN cũng chưa có một giáo sư hay một nhà khoa học nào đứng vào hàng các nhà khoa học “eminent” (lừng danh) trên thế giới. Dĩ nhiên, VN có vài nhà khoa học có tiếng trên thế giới trong chuyên ngành của họ, nhưng ngay cả trong chuyên ngành, cái “có tiếng” đó cũng chỉ là hạng trung bình hay trên trung bình một chút. Theo tôi biết, VN chưa có một nhà khoa học được mời diễn thuyết trong phiên họp khoáng đại của các hội nghị số 1 trong chuyên ngành. Điều này có lẽ không khó hiểu, vì VN cũng chỉ mới hội nhập quốc tế trong thời gian gần đây, và nghiên cứu khoa học cũng chỉ mới được quan tâm khi có người chỉ ra sự tụt hậu của VN trên trường quốc tế.

Sự nổi tiếng của đại học VN, do đó, không phụ thuộc vào giáo sư ở VN. Nói đúng ra, như nói trên không có một đại học VN nào nổi tiếng trên thế giới, và giáo sư cũng chưa nổi tiếng trên thế giới, thì tích số của hai yếu tố phải là số không.

Ở nước ngoài, có một số giáo sư Việt kiều nổi tiếng thật sự trong chuyên ngành của họ, nổi tiếng theo tiêu chí mà tôi mới đề cập ở trên. Nhưng tôi nói “một số”, chứ không nhiều như báo chí VN hay ảo tưởng. Bên cạnh một số giáo sư nổi tiếng đó, còn có nhiều giáo sư khác tuy không nổi tiếng nhưng họ có khả năng PR rất tốt trên báo chí VN và tự dưng họ trở thành nổi tiếng. Họ cũng là giáo sư ở nước ngoài, có thể từ các trường đại học danh tiếng nhưng phần lớn là xuất phát từ các trường làng nhàng. Họ có ý nguyện giúp VN, và khi về VN so với đồng nghiệp trong nước họ thấy mình cao hẳn lên. Từ đó họ ảo tưởng rằng mình là số 1 trên thế giới! Số này không nhiều, nhưng báo chí tung ca nhiều quá nên công chúng tưởng là nhiều.

Các trường đại học VN rất muốn nâng cao “thương hiệu” của họ trên trường quốc tế, và cũng là cách góp phần đưa tên tuổi VN trong trường khoa học. Do đó, họ rất cần nghiên cứu khoa học, lĩnh vực mà họ yếu nhất. Từ đó, họ cần sự giúp đỡ và hợp tác của các giáo sư nước ngoài, kể cả giáo sư Việt kiều. Một số ít giáo sư Việt kiều có tâm về hẳn VN để làm việc, và họ thường âm thầm. Nhưng số nhiều giáo sư Việt kiều thì chỉ như “đi mây về gió”, lâu lâu nói chuyện trong seminar, ghé thăm như “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chẳng giúp gì nhiều. Do đó, có trường theo mô hình “nhóm nghiên cứu” (research group) để giúp các giáo sư Việt kiều có lab và có cơ sở để hợp tác lâu dài cho dù là ở nước ngoài.

Thế giáo sư Việt kiều có làm cho đại học VN nổi tiếng? Tôi nghĩ câu trả lời là KHÔNG. Một cây làm chẳng nên non. Cho dù một trường đại học có thể thu hút giáo sư Việt kiều nổi tiếng lừng danh hay nổi tiếng, thì sự hiện diện của giáo sư đó vẫn không thể giúp các đại học VN nổi tiếng được. Trường có tiếng về một lĩnh vực vẫn chưa thể nói là nổi tiếng được. Nổi tiếng đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều lĩnh vực.

Nói đến nổi tiếng theo cái nhìn của công chúng trong nước chắc người ta nghĩ đến ĐHQGHN và ĐHQGHCM. Nhưng nếu hỏi họ 2 đại học đó nổi tiếng về cái gì, thì có thể phần lớn chẳng ai trả lời được. Không trả lời được là vì cả hai trường chẳng có công trình khoa học gì để gọi là “nổi bậc”. Có thể nói tất cả các đại học VN đều như thế, trường nào cũng như trường nào về tiếng tăm trong khoa học, chưa có trường nào có công trình gọi là “flagship” để công chúng nhận ra dễ dàng.

Do đó, tôi nghĩ sự có mặt của các giáo sư Việt kiều, cho dù là giáo sư danh tiếng, ở các đại học VN sẽ khó làm cho đại học nổi tiếng. Suy nghĩ kiểu “không có giáo sư X chắc chẳng ai biết đến trường Y” theo tôi là cực kì trẻ con đến bất ngờ. Tôi nghĩ các giáo sư Việt kiều chân chính không ai ảo tưởng rằng sự có mặt của họ sẽ làm đại học nổi tiếng; họ chỉ nghĩ góp một tay vào việc xây dựng thương hiệu cho đại học qua nghiên cứu khoa học và giảng dạy.


Bao giờ Việt Nam có đại học đẳng cấp quốc tế ?

GS Nguyễn Văn Tuấn

19-08-2014


Đại học Giao thông Thượng Hải của Tàu mới công bố danh sách “top 500” đại học trên thế giới (1). Không có một đại học VN nào trong danh sách. Câu hỏi mỗi năm lại đặt ra: bao giờ VN có đại học nằm trong top 500? Câu trả lời đơn giản là “còn rất lâu”. Phải cần một thời gian dài, một cuộc cách mạng trong suy nghĩ, những hành động tích cực về nghiên cứu khoa học, chúng ta mới có thể nghĩ đến đại học VN có tên trong các bảng xếp hạng top 500. Còn hiện tại, chỉ nên lo cải tổ và làm nghiên cứu khoa học cho thật tốt, chứ đừng đặt câu hỏi “bao giờ cho đến bao giờ”.


Báo Lao Động (2) có đặt câu hỏi theo kiểu khiêu khích Bộ trưởng (“Top 500 chờ “trận đánh lớn” của Bộ trưởng Luận”). Cần nhắc lại rằng cách đây vài tháng, ngài Bộ trưởng GDĐT tuyên bố rằng cải cách giáo dục là một “trận đánh lớn”. (Ông bộ trưởng này có vẻ thích quân sự, vì mới đây vài ngày ông có một phát ngôn mang mùi súng đạn). Nay nhà báo đem chữ đó ra làm cái “twist of the tongue” hỏi ngài bộ trưởng. Tuy nhiên, bài báo viết rằng do chất lượng đào tạo còn thấp nên các đại học VN chưa có trong top 500. Theo tôi quan điểm đó chưa hẳn đúng. Vấn đề “top 500” không phải là chất lượng đào tạo, mà là nghiên cứu khoa học.



Điều đáng chú ý năm nay là trong khối ASEAN nước mới nổi trong giáo dục đại học là Mã Lai Á có 2 đại học trong top 500: đó là Đại học Malaya và Đại học Khoa học Malaysia (USM). Hai đại học này trước đây còn kém hơn Mahidol và Chulalongkorn của Thái Lan, nhưng khoảng 5 năm trước họ đã vượt qua hai đại học danh tiếng của Thái Lan một cách ngoạn mục. Họ vượt qua Thái Lan không phải do đào tạo của họ có chất lượng hơn Thái Lan, mà là nghiên cứu khoa học của họ tốt hơn 2 đại học hàng đầu của Thái Lan. Trong thời gian 2006-2010 ĐH Malaya công bố 6755 bài báo khoa học trên các tập san ISI, vượt qua Mahidol (6217). Nên nhớ trước 2006, ĐH Mahidol đứng hạng cao hơn ĐH Malaya.

Cả hai đại học của Mã Lai trong top 500 đều còn “trẻ”. USM chỉ mới thành lập năm 1969, tức mới 45 năm. Ngay cả ĐH Malaya cũng chỉ thành lập từ năm 1949, tức 65 tuổi đời. Hai đại học này đều có “tuổi đời” trẻ hơn các đại học lâu đời của VN. ĐH Bách Khoa Sài Gòn thành lập năm 1957, ĐH Khoa học Sài Gòn và ĐH Khoa học Hà Nội thành lập từ 1949, tức cùng năm với ĐH Malaya. Nhưng khác với các đại học VN còn đang mơ mộng đẳng cấp, hai đại học Mã Lai đã vươn lên nhanh chóng trong vòng 20 năm qua và trở thành tên tuổi trên trường quốc tế. Điều này minh chứng cho phát biểu tôi từng nói trước đây là một số đại học chỉ cần 30-40 năm là trở thành đẳng cấp quốc tế. Tại sao VN vẫn chưa có đại học nào đạt tiêu chuẩn đó. Đó là một vấn đề cần phải suy nghĩ …

Theo tôi câu trả lời rất đơn giản là đại học VN chưa có thương hiệu trong trường khoa học quốc tế. Tôi có cảm giác ở nước ngoài giới khoa học chẳng ai biết đến hay quan tâm đến đại học VN. Tôi thỉnh thoảng nói về đại học VN làm cái này cái kia, họ chỉ ậm ừ, chẳng quan tâm. Nhiều lần như thế tôi đi đến kết luận rằng các đại học VN và nhà nghiên cứu VN chưa tạo được dấu ấn, chưa có thương hiệu khoa học. Mấy tuần trước, khi ngồi trong hội đồng cố vấn faculty của UTS, tôi thấy các thành viên tiêu ra gần nửa ngày để thảo luận phải làm gì để nâng cao thương hiệu trên trường quốc tế (UTS có trong bảng top 500, hình như là hạng 300-400 gì đó, nhưng UTS chưa hài lòng với hạng đó). Chúng tôi đi đến kết luận thương hiệu khoa học của một đại học chủ yếu được xây dựng qua nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên và giáo sư, và sinh viên tốt nghiệp.

Xét trên cả ba khía cạnh tôi nghĩ các đại học VN khó có cơ may trở thành “đẳng cấp quốc tế”. Sau đây là một vài lí do giải thích tại sao:

Trước hết là về nghiên cứu khoa học. Ba đại học có nhiều công bố quốc tế nhất ở VN là [theo thứ tự] Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, ĐHQG Hà Nội, và Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai ĐHQG công bố nhiều vì nhân sự đông hơn các trường khác, chứ không có nghĩa là năng suất khoa học cao. Tuy nhiên, mỗi năm ĐHQG-HCM cũng chỉ công bố trên dưới 150 bài. Con số này còn rất khiêm tốn nếu so với các trường trong vùng. Chẳng hạn như Đại họcChulalongkorn, Mahidol, Malaya, mỗi năm công bố được từ 1700 đến 2500 bài. Còn so với ĐHQG Singapore thì con số công bố quốc tế của các đại học hàng đầu VN chẳng có ý nghĩa gì! (Năm 2009, ĐHQG Singapore công bố 4285 bài, tương đương với ĐH Sydney của Úc; cùng năm, ĐHQG Seoul công bố 5120 bài). Như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của các đại học hàng đầu VN còn quá kém và quá lu mờ so với các đại học lớn trong vùng.

Nếu số công trình của VN tăng 20% mỗi năm và liên tục, thì cũng phải tốn 15 năm ĐHQG-HCM mới bằng ĐH Mahidol và 20 năm sau mới bằng ĐHQG Seoul năm 2009. Như vậy có một khoảng cách rất xa về nghiên cứu khoa học giữa các đại học hàng đầu VN và đại học đẳng cấp quốc tế.

Một điểm khác cũng đáng chú ý là phần lớn những bài báo khoa học từ VN là do hợp tác quốc tế. Hiện nay, khoảng 70-80% các bài báo khoa học từ VN hoặc là kết quả của hợp tác quốc tế hoặc do nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài cùng nghiên cứu với thầy cô ở nước ngoài. Số bài báo “thuần Việt Nam” (tức tất cả tác giả và công trình thực hiện ở VN) còn rất ít. Điều này nói lên rằng khoa học VN đang trong thời kì hay có nguy cơ lệ thuộc.

Thứ hai là tầm ảnh hưởng của các đại học VN trong khoa học cũng rất thấp. Trong một phân tích trước đây, tôi có chỉ ra rằng gần 50% những bài báo công bố quốc tế của VN chưa bao giờ được trích dẫn (có ngành như kĩ thuật con số lên đến 70%). Ngay cả số bài báo được trích dẫn thì cũng rất thấp. Tính trung bình chỉ số trích dẫn 10 năm của các bài báo khoa học từ ĐHQGHCM là 3.5, còn rất kém so với ĐHQG Singapore là 8.82. Sau đây là vài con số để chúng ta so sánh về chất lượng khoa học của vài trường tiêu biểu (tất cả là tính trong thời gian 5 năm 2006-2010):

Số bài báo khoa học ĐHQG-HCM: 720 bài ĐH Malaya: 6755 ĐH Mahidol: 6217 ĐHQG Singapore: 28972 ĐHQG Seoul: 27089 UNSW (Úc): 21459 ĐH Sydney: 26865

Chỉ số tác động (% cao hơn hay thấp hơn trung bình thế giới) ĐHQG-HCM: 26.9 ĐH Malaya: 26.9 ĐH Mahidol: 47.7 ĐHQG Singapore: 54.9 ĐHQG Seoul: 60.6 UNSW (Úc): 57.1 ĐH Sydney: 61.8

Chỉ số xuất sắc (là % bài báo được trích dẫn nhiều nhất; “nhiều” ở đây là nằm trong nhóm “top 10%” trong mỗi chuyên ngành) ĐHQG-HCM: 16.1 ĐH Malaya: 18.1 ĐH Mahidol: 9.9 ĐHQG Singapore: 13.1 ĐHQG Seoul: 19.7 UNSW (Úc): 17.9 ĐH Sydney: 18.0

Thứ ba là đội ngũ giáo sư, giảng viên và nhà khoa học. VN chưa có một giáo sư hay một nhà khoa học nào đứng vào hàng các nhà khoa học “eminent” (lừng danh) trên thế giới. Dĩ nhiên, VN có vài nhà khoa học có tiếng trên thế giới trong chuyên ngành của họ, nhưng ngay cả trong chuyên ngành, cái “có tiếng” đó cũng chỉ là hạng trung bình hay trên trung bình một chút. Theo tôi biết, VN chưa có một nhà khoa học được mời diễn thuyết trong phiên họp khoáng đại của các hội nghị số 1 trong chuyên ngành. Chính vì thế mà VN chưa có dấu ấn khoa học trên trường quốc tế.

Nói ngoài lề một chút, ngay cả đi dự hội nghị nước ngoài mà còn bị hạn chế thì nói gì đến chuyện giáo sư VN có thể quảng bá đại học của mình. Những chuyện nhỏ như thế có tầm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của đại học.

Thứ tư là sinh viên tốt nghiệp trong môi trường toàn cầu hoá. Có thể nói rằng các đại học VN hiện nay chỉ đào tạo chuyên viên cho thị trường lao động ở VN là chính, chứ chưa thể vươn ra thế giới. Nhưng chất lượng đào tạo nói chung chưa cao. Ngay cả ở trong nước các sinh viên ra trường cũng chưa đáp ứng yêu cầu của kĩ nghệ. Khi được hỏi nguồn nhân lực công nghệ cao của VN ở đâu trên thế giới, tổng giám đốc Intel Việt Nam cho biết “lực lượng lao động trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về cả số lượng lẫn chất lượng trước nhu cầu tuyển dụng.” Sau khi tuyển dụng được nhân viên, Intel vẫn phải gửi họ sang Malaysia để đào tạo.

Đào tạo trong nước còn chưa đạt, thì làm sao nói đến chuyện đào tạo cho nhân lực toàn cầu. Đại học là một trung tâm khoa học và văn hoá quốc tế, nhưng số sinh viên và giảng viên nước ngoài ở các đại học VN hầu như chỉ đếm đầu ngón tay. Đại học VN vẫn chưa có tính quốc tế. Chưa có quốc tế hoá thì nói gì đến “đẳng cấp quốc tế”.

Bốn yếu tố trên tương tác với nhau. Có giáo sư giỏi thì mới có nghiên cứu khoa học có phẩm chất tốt; nghiên cứu sẽ tạo ra “ngôi sao”; ngôi sao sẽ đào tạo sinh viên giỏi; sinh viên giỏi mang tiếng thơm cho trường. Bản thân giáo sư giỏi qua công bố quốc tế cũng tạo danh cho trường. Tôi nghĩ tất cả đều bắt đầu từ con người và nghiên cứu khoa học. Các trường đại học VN thiếu cả hai thì rất khó trở thành “đẳng cấp quốc tế” trong tương lai gần.

Cơ chế hiện nay chưa cho phép các trường đại học VN thu hút nhân tài trên thế giới. Thật ra, cho dù VN có cơ chế và tiền bạc để thu hút nhân tài, các giáo sư đẳng cấp quốc tế cũng ngần ngại đến VN vì các đại học VN chưa có “thương hiệu” trong khoa học và cũng chưa biết tương lai ra sao. Mỗi người thường chỉ có 5-10 năm để dấn thân vào một thách thức mới, nếu cuộc dấn thân thất bại thì sự nghiệp coi như thất bại. Do đó, vấn đề lại xoay quanh vòng tròn luẩn quẩn: thiếu người tài dẫn đến nghiên cứu kém chất lượng, nghiên cứu kém chất lượng → đại học không có tiếng tốt → khó thu hút người tài.

VN vẫn hay hô hào “đẳng cấp quốc tế” nhưng tiếc thay phần lớn có vẻ chỉ nặng về hình thức. Chẳng hạn như 6 năm trước, ĐHQG-HN có kí kết hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí (3) để xây kế hoạch có giải Nobel! Cho đến nay, chưa biết khả năng có giải Nobel là bao nhiêu, nhưng rõ ràng đó là một điều rất bất khả thi. Giải Nobel không có được từ hợp đồng, mà từ nghiên cứu khoa học có phẩm chất cao. Một hình thức khác là xem nghiên cứu khoa học như là một phong trào. Khắp nơi người ta làm nghiên cứu để có cái chứng từ làm … “chiến sĩ thi đua”. Đó là những cách làm rơi rớt từ thời bao cấp XHCN. Không ai khuyến khích nghiên cứu khoa học như kiểu VN.

Tôi nghĩ nên dẹp bỏ những hình thức như thế, và thay vào đó là khuyến khích các nhà khoa học làm nghiên cứu có chất lượng cao và công bố trên các tập san tốt. Cần phải có hình thức tưởng thưởng những nhà khoa học có thành tích tốt. Tôi tính ra mỗi đại học lớn như ĐHQG - HCM hay ĐHQG-HN chỉ cần tổ chức lại lực lượng nhà khoa học theo nhóm, và chỉ cần chừng 1000 nhà nghiên cứu (dĩ nhiên kể cả nghiên cứu sinh) công bố thường xuyên. Với lực lượng đó thì số bài báo mỗi năm dễ dàng đạt con số 1500-2000. Chỉ vài năm là có “momentum” để tiến lên một nấc cao hơn. 

Một khi đã có số lượng, bước kế tiếp là nâng cao phẩm chất. Từ đó, giấc mộng đẳng cấp quốc tế sẽ không xa.

Nguyễn Văn Tuấn


 
 

Tuesday, August 19, 2014

Thư của Bà Trưng gửi lão Hâm


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Sáng nay thăm anh  Phan Chi Thắng, tôi gặp thư của Bà Trưng gửi lão Hâm.




Cháu Hâm thân mến!

Bà ngại lắm, nhưng vẫn cố viết thư này gửi cháu.


Ngại thứ nhất là bà hơn cháu đúng 100 thế hệ, nếu tính 20 năm là một thế hệ. Chả nhẽ xưng cụ mấy chục lần cụ gửi cháu mấy chục lần cháu thì nghe lạ tai và buồn cười quá?

Ngại thứ nhì là bà không biết chữ Việt hiện đại, phải nhờ một nhà ngoại cảm ghi lại rồi vào Google Translate dịch ra cho cháu hiểu.

Ngại nhưng vẫn phải viết.


À, bà cần giải thích thêm là vì sao bà lại gửi thư cho cháu mà không gửi cho ai khác? Vì bà nghĩ bây giờ người hâm nói ra có khi người ta còn tin hơn là người normal cháu ạ. (Ghi chú: Chỗ này Google dùng từ normal)

Sự việc là vừa rồi bà nghe tin Thành phố Hà Nội định tổ chức kỷ niệm long trọng 2000 năm ngày sinh của bà. Bà vừa mừng vừa lo. Mừng và lo đến nỗi suýt nữa thì bà đội mồ sống lại.
Mừng vì đàn cháu chắt chút chít chụt chịt 100 đời của bà vẫn nhớ đến bà. Thật là thơm thảo!

Lo là chính bà đây cũng không có cách nào biết ngày sinh của mình. Đã có lần bà hỏi thân mẫu thì thân mẫu, nghĩa là mẹ của bà bảo rằng cụ chỉ nhớ sinh ra bà vào cái đận lụt lớn, ngay sau vụ một đàn voi rừng về phá nát ruộng nương. Vậy thì ngày nào, năm nào, tháng nào, bà chả làm sao tra lịch Vạn niên ra được.


Đã mang thân là anh hùng dân tộc, chả nhẽ bà nhận xằng, mà nhận xằng khác gì nói dối?
Hôm nay, nỗi lo của bà đã vợi đi quá nửa, khi nghe tin Lãnh đạo Hà Nội quyết định tạm hoãn tổ chức lể kỷ niệm ngày sinh của bà. Thế là OK, sẽ OK hơn nữa là đừng có bao giờ làm việc đó (Ghi chú: văn phong của Google)

Nhân đây bà muốn nhờ cháu một việc. Cháu có quen ai trên Thành phố không? À quên , bà hỏi hơi bị thừa, thời này làm quen dễ lắm, miễn là có money. (Ghi chú: Google dịch dở ẹc!)
Nhờ cháu nhắn giúp bà tới các vị lãnh đạo thành phố:

1. Bỏ cái trò tạ sự lễ hội mí lại kỷ niệm ngày sinh ngày sọt. Ai anh hùng là anh hùng trong lòng dân. Hai ngàn năm nay không kỷ niệm ngày sinh của Bà Trưng thì Bà Trưng có biến thành Bà Tưng đâu mà sợ?


Làm tốn tiền dân, mà dân bây giờ chả vừa, hơi tý lại bảo các quan vẽ chuyện để xơi.

2. Dùng số tiền đáng ra tổ chức lễ hội để lo cho việc cấp và thoát nước của thành phố. Ai đời thành phố to nằm trong Top Ten của thế giới mà lúc thì mấy ngàn hộ dân không có nước sinh hoạt, lúc thì mới mưa sơ sơ phố đã thành sông?

3. Mục thứ ba này là xuất xứ từ mục số 2 nói trên.


Nếu cực chẳng đã phải tổ chức sinh nhật cho ai đó, tốt nhất là làm cho ông Sơn Tinh. Ông này sẽ giúp chống lại Thủy Tinh một cách có hiệu quả. Sẽ không sợ thiếu nước sạch và thừa nước thải.


Dưng cơ mà đành phải bịa ra ngày sinh của ông ấy. Vì ngay ông ấy, khác bà, là chả biết mẹ mình là ai để hỏi cho biết ngày ông ấy ra đời. Mặc dù bà có mẹ cũng coi như không, tất nhiên là về phương diện xác định ngày sinh.

Nhiều khi bịa đặt mà được việc thì cũng nên bịa cháu ạ.

Đấy bà có mấy ý kiến thế thôi, giấy vắn tình dài.

Cuối cùng bà muốn nói là bà yêu cháu!

Nguồn: Lão Hâm (Phan Chí Thắng * )

(*) Đọc "Mụ Thìn" truyện Phan Chí Thắng

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con