Tuesday, December 2, 2014

Thành phố bên sông, Lê Mai

ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Thành phố bên sông, Lê Mai " Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là kiểu chiến tranh công nghệ cao. Nó sẽ diễn ra chớp nhoáng, thời gian sẽ tương đối ngắn, nhưng hậu quả lại vô cùng lớn. Đối phương – trước tiên sẽ làm “mềm” chiến trường bằng các cuộc không kích ác liệt, bằng tên lửa hành trình phóng đi từ tàu sân bay, tàu ngầm hoặc các căn cứ quân sự, đánh phá các vị trí trọng yếu về quốc phòng, các cơ sở kinh tế, sân bay, bến cảng, hệ thống thông tin, giao thông… Chúng có thể tấn công từ nhiều hướng: trên bộ, trên không, từ biển vào, có thể diễn ra cùng một lúc ở chính diện và trong chiều sâu, trên phạm vi toàn quốc với một nhịp độ cao, cường độ lớn ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến. Chắc chắn hướng Đông là một hướng chiến lược quan trọng mà bất cứ kế hoạch tấn công nào của đối phương hay kế hoạch phòng thủ nào của VN đều phải cực kỳ quan tâm. Để đất nước không bị bất ngờ, phải có tình cảm lớn và trí tuệ lớn. Và như thế, giữ được Đà Nẵng – thành phố bên sông, là giữ được Tổ quốc thân yêu của chúng ta.". Một bài viết hay về Đà Nẵng của Lê Mai. Đà Nẵng nhìn từ Hải Vân Nam thiên đệ nhất hùng quan ảnh Nguyễn Trung Tú. Đọc lại và suy ngẫm (Hoàng Kim).

THÀNH PHỐ BÊN SÔNG


Có lẽ, hiếm có một thành phố nào trên thế giới lại không nằm bên một con sông. Nó chỉ khác nhau ở cái dáng vẻ bề ngoài, ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa. Thành phố lạ rồi sẽ thành thành phố quen, chỉ có con người đã quen rồi hóa lạ…
Thành phố bên sông Hàn đang thay đổi từng giờ, từng ngày. Đôi khi, nhận ra một cao ốc vừa xuất hiện, một con đường mới mở, một cây cầu mới xây, một màu xanh sông nước bao la…khiến tôi ngỡ ngàng, dù tôi quen thuộc nó từng hàng cây, góc phố. Tốc độ phát triển hạ tầng của Đà Nẵng thật đáng nể và điều đó làm cho người dân Đà Nẵng không khỏi cảm thấy vui sướng và tự hào. Thành phố bên sông này – hình như, khác xa hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước. Nó thật yên bình – dẫu cho thời gian cứ trôi, mùa xuân đến, mùa xuân đi rồi mùa hạ tới.
Thành phố bên sông, cũng là thành phố bên biển. Biển nằm sát ngay thành phố. Một trong những bãi biển đẹp nhất trên thế giới. Đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai. Bà Nà – Núi Chúa lẫn trong sương mờ. Năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng trong nắng. Hàng chục chiếc cầu nối đôi bờ. Thành phố của núi, sông, biển. Núi, sông, biển và trời Đà Nẵng hòa quyện với nhau, làm thành một bức tranh tuyệt đẹp, nhắc tôi nhớ lại vài trang lịch sử.
Hơn 150 năm trước, ngày 1.9.1858, Đà Nẵng là nơi mà quân Pháp chọn nổ phát súng tấn công đầu tiên, mở đầu cho một cuộc xâm lược. Ngày 2.9, Pháp chiếm xong Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Quân VN rút lui về lập phòng tuyến chặn địch ở bờ biển. Sau đó, quân Pháp lại vào chiếm Gia Định rồi chiếm đóng luôn ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Triều đình Huế không có tư tưởng phản công, tiến công địch, mà chỉ có tư tưởng phòng ngự, đầu hàng, dẫn đến mất nước. Đêm dài đằng đẵng – hơn 80 năm trời, nước VN ta bị người Pháp đô hộ.
Sau trận Điện Biên Phủ, hội nghị Geneve nhóm họp, có sự tham gia của các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ. Trung Quốc, với âm mưu thâm độc, lấy mô hình Triều Tiên họ vừa bày ra, áp đặt vào VN, khăng khăng đòi chia cắt VN tại vĩ tuyến 17. Trong khi đó, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở hội nghị Liễu Châu đã yêu cầu Chu Ân Lai khi đàm phán, đòi vĩ tuyến 13, có thể lùi từng bước, song đến vĩ tuyến 16 – tức Đà Nẵng, là giới hạn cuối cùng. Lịch sử không có chữ “nếu”, nhưng chúng ta thử tưởng tượng, nếu thực hiện được phương án của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, sau năm 1954, Đà Nẵng đã thuộc về VNDCCH.
Đến lượt người Mỹ, lại một lần nữa Đà Nẵng là nơi mà quân đội Mỹ lựa chọn làm nơi đổ bộ quân viễn chinh đầu tiên.
Lúc 9 giờ 03 phút, ngày 8.3.1965, 11 chiếc xe xích, mỗi chiếc chở 34 binh sỹ của hải quân đánh bộ Mỹ được vũ trang đầy đủ, ầm ầm đổ bộ lên bãi biển phía Tây Bắc Đà Nẵng. Mặc dù trong điều kiện khó khăn vì sóng lớn, nhưng quân Mỹ đã tiến hành một cuộc đổ bộ tiến công hoàn chỉnh với xe tăng chiến đấu và xe tự hành. Lính Mỹ hơi ngạc nhiên, thay vì vấp phải sự chống trả của đối phương, họ lại được một đám đông các cô gái trẻ Đà Nẵng xinh đẹp đón tiếp bằng những bó hoa.
Lúc 9 giờ 18 phút, toàn bộ toán đổ bộ đã lên bờ và với vẻ mặt hơi ngượng ngùng, họ leo lên xe tải và xe xích về căn cứ không quân. Cùng ngày, một lực lượng khác được không vận từ căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là những đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của Mỹ được đưa vào chiến trường miền Nam VN.
“Chúng ta vào đây không phải để chiến đấu mà để giúp cho quân đội VNCH rảnh tay chiến đấu. Đây là cuộc chiến tranh của họ” – một Đại úy hải quân đánh bộ Mỹ. Ở Nhà trắng, người ta hy vọng lính thủy đánh bộ sẽ không phải làm gì hơn ngoài việc đó. Nhưng, “các anh không thể bảo vệ được vị trí bằng cách ngồi yên trên ba lô của mình” – tướng Wallace M.Greene, Tư lệnh hải quân đánh bộ nói khi đến thăm một lữ đoàn quân viễn chinh.
Một năm sau, Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ bay ra Đà Nẵng xử lý vụ biến động miền Trung. Quân ly khai do tướng Nguyễn Chánh Thi cầm đầu suýt xung đột to với quân chính phủ Sài Gòn. Tướng Mỹ, Lewis Walt, cố vấn trưởng quân đoàn I rất bực, dọa cho phi cơ F4 của Mỹ bắn hạ phi cơ Skyraiders của không quân VNCH nếu phi cơ VNCH bay lên để yểm trợ cho lực lượng của tướng Viên. Kỳ ra lệnh cho tướng Viên đặt sáu khẩu pháo cỡ lớn hướng vào bộ chỉ huy của tướng Walt, sẵn sàng tiêu diệt tổng hành dinh Thủy quân lục chiến Mỹ, nếu phi cơ Mỹ dám đụng đến phi cơ VNCH.
Kỳ đã cho tướng Walt một bài học: “Này ông tướng, ông là cố vấn quân sự, lo vấn đề quân sự thôi. Còn đây là vấn đề chính trị, và việc nội bộ của Việt Nam! Ông không có quyền xía vào. Ông có hiểu điều đó không ?”.
Tướng Walt muốn thuyết phục quân ly khai, bèn tìm cách thương lượng với viên chỉ huy của họ trên một chiếc cầu đã được quân ly khai cài mìn, sẵn sàng cho nổ tung. Có điều, âm mưu này của quân ly khai bị thất bại khi tướng Walt đã bí mật cho người của mình vô hiệu hóa những trái mìn kia.
Cây cầu ấy, trải qua nhiều biến cố lịch sử, sau nhiều lần đổi tên, nay vẫn còn, người ta muốn giữ nó lại để dành cho người đi bộ ngắm thành phố. Sát bên cạnh, một cây cầu mới rất hoành tráng đã xây xong với biểu tượng là cánh buồm căng gió ra biển khơi. Cách đó không xa, về phía hạ lưu là cầu Rồng – một trong những cây cầu được giải thưởng của Mỹ về thiết kế ánh sáng. Vượt qua cầu Rồng, con đường Võ Văn Kiệt sẽ gặp con đường Võ Nguyên Giáp – “sự gặp gỡ lịch sử”. Đứng ở đây, nhìn ra Biển Đông là Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta.
Sau người Pháp và người Mỹ, liệu Đà Nẵng có phải là nơi mà đối phương lại chọn làm nơi đổ bộ đầu tiên cho một cuộc xâm lược hay không, ai có thể đoán được ? Người ta định đặt một “căn cứ” ở ngay mũi Cửa Khẻm, đèo Hải Vân – một vị trí hiểm yếu, tối quan trọng về quốc phòng, không phải là một tín hiệu sao ? Xin lưu ý, năm 2002 và năm 2006, cả Giang (Trạch Dân) và Hồ (Cẩm Đào) đều đã đến Đà Nẵng, Hội An. Họ muốn gì ? Có vẻ như họ “mê” Đà Nẵng ?
Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là kiểu chiến tranh công nghệ cao. Nó sẽ diễn ra chớp nhoáng, thời gian sẽ tương đối ngắn, nhưng hậu quả lại vô cùng lớn. Đối phương – trước tiên sẽ làm “mềm” chiến trường bằng các cuộc không kích ác liệt, bằng tên lửa hành trình phóng đi từ tàu sân bay, tàu ngầm hoặc các căn cứ quân sự, đánh phá các vị trí trọng yếu về quốc phòng, các cơ sở kinh tế, sân bay, bến cảng, hệ thống thông tin, giao thông…Chúng có thể tấn công từ nhiều hướng: trên bộ, trên không, từ biển vào, có thể diễn ra cùng một lúc ở chính diện và trong chiều sâu, trên phạm vi toàn quốc với một nhịp độ cao, cường độ lớn ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến.
Chắc chắn hướng Đông là một hướng chiến lược quan trọng mà bất cứ kế hoạch tấn công nào của đối phương hay kế hoạch phòng thủ nào của VN đều phải cực kỳ quan tâm. Để đất nước không bị bất ngờ, phải có tình cảm lớn và trí tuệ lớn.

1 comment:

  1. Đáng đọc và để suy ngẩm.
    Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin rất hay.
    ------------------------------------------
    Ms Nga - Kinh Doanh - SacoJet.vn

    0938 172 672 - 090 262 1479 – 1900 63 6479
    Chuyên Đặt vé máy bay VietNam Airlines đi Đà Nẵng uy tín tại TpHCM

    ReplyDelete