Thursday, October 9, 2014

Những bài học lịch sử


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. “Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực, tác giả Lê Mai là bài nghiên cứu lịch sử có giá trị. Nhìn lại Chiến tranh Đông DươngChiến tranh Việt Nam, Lê Mai viết: "Ý định của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam là hạn chế chiến tranh ở miền Nam, không để lan ra miền Bắc và thắng đối phương ngay tại miền Nam. Phương châm chiến lược là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nhưng cố gắng tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn. Và cũng hết sức tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước trên thế giới, đặc biệt là “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc. Xem ra, chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả." Nhận định này là đúng. Thực tiễn và sự vận dụng linh hoạt như thế nào? (Trăng rằm, đọc lại và suy ngẫm những bài học lịch sử, ảnh HK đọc tiếp)



“Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực (Phần IV)


Ý định của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam là hạn chế chiến tranh ở miền Nam, không để lan ra miền Bắc và thắng đối phương ngay tại miền Nam. Phương châm chiến lược là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nhưng cố gắng tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn. Và cũng hết sức tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước trên thế giới, đặc biệt là “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc. Xem ra, chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả.

Và Hà Nội cũng giữ tuyệt mật ý định của mình. Phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1.1968) chuẩn bị cho tổng tấn công Mậu Thân, Lê Duẩn nói: “Anh em ta không hiểu đâu. Không ai biết chuyện này, không ngờ đâu. Ta không dám bàn với ai cả, bí mật lắm…Hôm nay bàn trong Trung ương, lần này rất bí mật…vì nếu lộ ra ngoài thì nguy hiểm. Cái này phải nắm thời cơ, lộ ra nguy hiểm lắm”. “Anh em ta” – dĩ nhiên là nói tới các nước XHCN mà trước hết là “hai ông anh”.


Cuộc tấn công Mậu Thân 68 của Bắc Việt Nam đã đưa đến nhiều hệ quả chính trị, quân sự khác nhau. Cuối tháng 3.1968, Johnson tuyên bố không có ý định tái tranh cử Tổng thống Mỹ.

Vào mùa thu năm 1968 ấy, xẩy ra một sự kiện động trời: Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc.

Sáng sớm ngày 21.8, trên bầu trời Praha xuất hiện một máy bay dân dụng Liên Xô. Lấy cớ máy móc bị trục trặc, phi công xin hạ cánh khẩn cấp, nhưng khi cửa máy bay vừa mở ra thì chỉ thấy toàn lính dù Liên Xô được trang bị đẩy đủ nhảy xuống và lập tức chiếm ngay sân bay.

Tiếp đó, sư đoàn nhảy đủ với những máy bay vận tải hạng nặng chở xe tăng, thiết giáp cứ một phút lại một chiếc tiếp đất. Quân đội Liên Xô lập tức tiến vào trung tâm thành phố, bao vây, khống chế các mục tiêu quan trọng như Ban chấp hành Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, ga xe lửa, nhà bưu điện, đài phát thanh…Một lực lượng vũ trang khác đã tiến hành phong tỏa biên giới Tiệp Khắc.

Với 17 sư đoàn quân Liên Xô, 6 sư đoàn một số nước Đông Âu, hai ngàn xe tăng, 800 máy bay, tổng cộng 25 vạn quân ồ ạt tràn sang, chỉ trong một ngày đã chiếm đóng lãnh thổ Tiệp Khắc.

Mưu kế của “ông anh Cả” làm “ông anh Hai” khá e sợ. Rõ ràng, Liên Xô đang thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mình ở châu Âu. Bàn về sự kiện này, Kissinger nói với Mao:

- Theo tôi, Liên Xô muốn kiểm soát châu Âu. Nếu họ cứ rắp tâm làm như vậy, thì buộc chúng tôi phải nói chuyện với họ trên chiến trường. Liên Xô định đưa lục quân của họ đến đâu, Tiệp Khắc ư, hay đến nơi mà chúng ta hoàn toàn không có chuẩn bị, đó là điều nguy hiểm lớn nhất.

Mao:

- Nếu cứ xét theo cách làm của họ ở Tiệp Khắc thì rất khó đoán định. Họ thi hành quỷ kế đối với Tiệp Khắc, dùng máy bay dân dụng để chuyển quân.

Kissinger:

- Bằng cách đó kiểm soát sân bay Praha.

Mao:

- Sau đó, quân đội di chuyển đến đâu, người ta cứ tưởng là hành khách đi máy bay chứ có ai biết là quân đội đâu. Họ đã kiểm soát sân bay Praha như vậy. Quân đội của họ đóng ở đâu là kiểm soát tình hình ở đó.

Nhiều nước lên tiếng phản đối Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc. Tổng thống Titô của Nam Tư, Xêauxescu của Rumani và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đều đã kịch liệt lên án hành động của Liên Xô là “chà đạp lên tự do và độc lập của nước khác”.

Trong khi đó, Brêgiơnép tiếp tục tung ra học thuyết “chủ quyền hạn chế”, “chuyên chính quốc tế, “đại gia đình XHCN”…Liên Xô vẫn luôn thể hiện vai trò người đứng đầu – “ông anh Cả” của mình.

Quay trở lại Việt Nam. Sau đợt hai của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, khi không còn hy vọng gì vào một chiến thắng quân sự nữa, Lê Đức Thọ được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc để đi Pari làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn VNDCCH tại cuộc hòa đàm Pari.

Việc VNDCCH chấp nhận đàm phán với Hoa Kỳ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam đã giảm đi rõ rệt. “Hai ông anh”, do xuất phát từ lợi ích của mình, “ông anh Cả” ủng hộ, “ông anh Hai” phản đối kịch liệt cuộc hòa đàm Pari. Trung Quốc nói rằng, chưa phải lúc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta đã quá vội đi đến nhân nhượng”. Thậm chí, khi các cuộc hội đàm đã bắt đầu ở Paris, Bắc Kinh vẫn phủ nhận các cuộc hội đàm này. Báo chí Trung Quốc đều bỏ qua những tin về nó và lớn tiếng phê phán Pháp đã bố trí tổ chức các cuộc hội đàm.

Bắc Kinh còn tiến hành các biện pháp khác nhằm phá hoại một giải pháp có thể đạt được cho cuộc chiến tranh Đông Dương.

Trung Quốc có hai cách gây sức ép đối với Bắc Việt Nam. Thứ nhất, họ có thể cắt cung cấp gạo và bột mì, nhưng Hà Nội có ít nhất ba tuần dự trữ gạo và Liên Xô có thể cung cấp gạo bằng đường biển. Thứ hai, họ có thể rút các lực lượng công binh, đường sắt của họ khỏi Bắc Việt Nam, nhưng việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc có thể làm những lực lượng này không còn có vai trò quan trọng nữa.

Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động khiêu khích đối với các tàu Liên Xô ghé các cảng của Trung Quốc trên đường đến Bắc Việt Nam; giữ lại trên lãnh thổ của mình khoảng tám trăm toa xe lửa chở vũ khí và trang thiết bị quân sự và khoảng bảy đoàn tàu hoả đặc biệt chở tổ hợp phòng không cho Bắc Việt Nam.

Mối bất hoà giữa “hai ông anh” đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc cạnh tranh quân sự vào cuối những năm 60, và cả hai nước đều đã có một loạt những cuộc va chạm dọc đường biên giới Xô – Trung mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Từ tháng 10.1964 đến tháng 4.1965 đã xảy ra 36 vụ xâm phạm biên giới Liên Xô liên quan tới 150 công dân Trung Quốc. Số vụ xâm phạm như vậy đã tăng lên nhanh chóng và tới tháng 5.1969 đã lên tới 164 vụ. Cả hai nước đều như đang nằm trên bờ vực thẳm của một cuộc xung đột quân sự diện rộng mà không có một cơ hội hoà giải nào.

Ngay một cuộc gọi qua đường dây nóng của Thủ tướng Liên Xô Côxưghin cho Mao Trạch Đông cũng không thành công. Cô báo vụ viên Trung Quốc không nối máy tới Mao, cũng không nối máy tới Chu Ân Lai, lại còn mạt sát Thủ tướng Liên Xô là “một tên xét lại, không có tư cách nói chuyện với Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi”. Và “Thủ tướng của chúng tôi rất bận, không có thì giờ để mà nghe ông nói lôi thôi, mà có rỗi chăng nữa cũng không muốn nghe ông lằng nhằng”.

Phản ứng cuồng tín, thô lỗ của cô báo vụ viên Trung Quốc suýt nữa dẫn tới tai hoạ lớn.

“Hai ông anh” đều không nhiệt tình với hành động quân sự trên chiến trường hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao của Hà Nội. Liên Xô đặc biệt thất vọng về cuộc tiến công Quảng Trị của Bắc Việt Nam xảy ra ngay trước khi có cuộc họp thượng đỉnh Xô – Mỹ ở Mátxcơva.

Dù sao, Hà Nội vẫn giữ được vị thế độc lập của mình.

(còn tiếp)

Xem lại những bài trước đó

“Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực (Phần I)


Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, một loạt các nước XHCN ra đời và cũng từ đó thế giới căn bản chia thành hai phe: phe XHCN và phe TBCN. Phải thừa nhận một điều, mặc dù mới xuất hiện, nhưng phe XHCN tỏ ra có sức sống mạnh mẽ, giàu tư tưởng và khát vọng. Lý tưởng xóa bỏ chế độ người bóc lột người, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, ai mà không ham ? Hơn thế nữa, phe XHCN có “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc – đất rộng, người đông đứng đầu, là niềm cỗ vũ rất lớn cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Ngày 2.9.1945, nước VNDCCH ra đời trong cái chớp mắt của lịch sử, sau “ông anh Cả” Liên Xô 28 năm, nhưng lại trước “ông anh Hai” Trung Quốc 5 năm. Người Pháp không dễ gì từ bỏ Đông Dương, vì thế chỉ hơn một năm sau, họ đã tung ra cuộc tái xâm lược Việt Nam với sức mạnh ghê gớm. Năm năm chiến đấu trong vòng vây, cho dù không có sự trợ giúp của “hai ông anh”, nước Việt Nam vẫn đứng vững và tiến lên. Trước đó, trong hai năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đã gửi 8 lá thứ cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, nhưng đáng tiếc là lúc bấy giờ, Việt Nam “chưa bị ra-đa của Hoa Kỳ” phát hiện. Nếu có, biết đâu đã tránh được cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II và hẳn là vai trò của “hai ông anh” cũng khác với những gì lịch sử đã diễn ra ?


“Ông anh Cả” Liên Xô đứng đầu phe XHCN một cách vững vàng, kiên định, chặt chẽ, “khó tính”, không một nước nào, một vấn đề quan trọng nào có thể thoát khỏi sự chú ý của “ông anh”.

Nam Tư là nước hứng chịu cơn thịnh nộ đầu tiên của “ông anh Cả”. Khi biết tin Nam Tư và Bungari tiến hành ký kết Hiệp ước hợp tác, hữu nghị, lại còn tuyên bố văn kiện có hiệu lực ngay, lập tức Xtalin gửi một bức điện cho Titô:

“Chính phủ Xô viết cho rằng cả hai Chính phủ đã sai lầm khi ký Hiệp ước mà không tham khảo ý kiến trước của Chính phủ Liên Xô. Chính phủ Liên Xô cho rằng sự vội vàng này đã tạo cớ cho Anh và Mỹ tăng cường can thiệp quân sự vào Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại Nam Tư và Bungari”.

Theo chỉ thị của Xtalin, Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtốp gửi điện mời Titô và Đimitrốp đến Mátxcơva, song chỉ có Đimitrốp đến còn Titô thì không. Đimitrốp – nhân vật nổi tiếng thế giới trong phiên tòa Laixich, cố gắng giải thích cho Xtalin rằng văn kiện mà hai nước ký chỉ là một bản ghi nhớ về việc cần phải có một Hiệp ước.

Xtalin không chịu, mỉa mai “lên lớp” Đimitrốp:

- Anh hành động như một “Bí thư đoàn thanh niên”, anh muốn chứng minh rằng anh vẫn còn là Bí thư Quốc tế cộng sản phải không ? Các anh đặt chúng tôi trước những việc đã rồi.

Karden – đại diện của Nam Tư ủng hộ Đimitrốp:

- Có thể việc ký Hiệp ước là vội vàng, nhưng bản dự thảo đã được gửi cho Chính phủ Liên Xô mà không có phản ứng gì…Theo tôi, tôi không thấy có gì khác biệt trong chính sách của Nam Tư và Liên Xô.

Xtalin nói:

- Cái gì ? Khác biệt là có đấy mà còn sâu sắc, thế anh nói thế nào về Anbania ? Các anh không hề tham khảo ý kiến chúng tôi khi đưa quân vào Anbania.

Titô, sau khi nghe báo cáo về chuyến đi, tỏ vẻ không hài lòng. Tại cuộc họp Bộ chính trị sau đó, Titô nói:

- Nam Tư không có gì khác biệt so với Liên Xô trong chính sách đối ngoại. Người Nga có cách nhìn về vai trò của họ, nhưng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề trên cơ sở hệ tư tưởng của chúng ta là đúng đắn. Sẽ là sai lầm khi giữ vững nguyên tắc cộng sản mà gây phương hại cho một khuynh hướng nào đó…Chúng ta không phải là con tốt trên bàn cờ…Chúng ta chỉ có thể trông đợi ở chính lực lượng của mình.

Một Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng tài chính Nam Tư X.Juicovitch không nhất trí với quan điểm này, bí mật báo cho Liên Xô qua đại sứ Nga ở Nam Tư. Thế là, Xtalin vội vã rút tất cả chuyên gia từ Nam Tư về nước.

Bộ chính trị Nam Tư quyết định khai trừ khỏi đảng và bắt giữ Bộ trưởng Tài chính X.Juicovitch và Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ A.Khebrang. Sự khác biệt quan điểm giữa hai đảng đã biến thành “scandal chính trị”.

Chính phủ Liên Xô phản ứng ngay. Xtalin yêu cầu Môlôtốp chuyển một bức điện đầy căng thẳng cho Titô:

“Ban chấp hành Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga được biết rằng Chính phủ Nam Tư đã tuyên bố X.Juicovitch và A.Khebrang là kẻ phản bội đất nước. Chúng tôi hiểu điều này có nghĩa là Bộ chính trị ĐCS Nam Tư muốn tiêu diệt họ. Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga tuyên bố rằng, nếu Bộ chính trị ĐCS Nam Tư thực hiện hành vi này thì chúng tôi coi Bộ chính trị ĐCS Nam Tư là kẻ phạm tội giết người. Ban chấp hành Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga yêu cầu được có đại diện tham gia khi tiến hành điều tra vụ án đối với X.Juicovitch và A.Khebrang về cái gọi là cung cấp thông tin không chính xác cho Ban chấp hành Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga. Chúng tôi chờ điện trả lời ngay”.

Và đây là trả lời của Trung ương ĐCS Nam Tư:

“Trung ương ĐCS Nam Tư không bao giờ có ý định thủ tiêu ai cả, trong đó bao gồm cả X.Juicovitch và A.Khebrang. Họ đang được chúng tôi theo dõi. Trung ương ĐCS Nam Tư cho rằng Trung ương ĐCS Nga đã đưa ra vấn đề rất sai lầm và chúng tôi rất phẫn nộ phản đối ý đồ coi lãnh đạo đảng của chúng tôi là “kẻ phạm tội giết người”. Vì vậy, Trung ương ĐCS Nam Tư cho rằng không chấp nhận sự có mặt của đại diện của Trung ương ĐCS Nga trong vụ án X.Juicovitch và A.Khebrang”.

Kết cục, Hội nghị Quốc tế Cộng sản tại Bukharest tháng 6.1948 “về tình hình của ĐCS Nam Tư” đã khai trừ Nam Tư ra khỏi phe XHCN.

Đó là màn dạo đầu của “ông anh Cả” Liên Xô. Sự kiện đó báo trước một điều, bất cứ nước nào trong phe XHCN cũng đừng hòng mong chống lại sự lãnh đạo của “ông anh Cả”.

Ngày 1.10.1949, nước CHND Trung Hoa được thành lập. “Tuần trăng mật” giữa “ông anh Hai” Trung Quốc với “ông anh Cả” Liên Xô diễn ra vô cùng tốt đẹp. Mao Trạch Đông tiến hành thăm Liên Xô lần đầu tiên, được Xtalin rất khen ngợi. Hai nước đã ký một loạt Hiệp ước hỗ trợ, hữu nghị và hợp tác, Liên Xô giúp Trung Quốc rất nhiều lĩnh vực. Còn nữa, Xtalin phân công Trung Quốc có trách nhiệm giúp đỡ Việt Nam đánh Pháp. Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào Trung Quốc, vì nếu không có sự trợ giúp vũ khí và các phương tiện khác, tất nhiên phần nào cuộc kháng chiến sẽ khó khăn hơn.

Những năm đó, quan hệ giữa Việt Nam và “hai ông anh” nói chung là tốt đẹp. Với sự thúc đẩy của “hai ông anh”, nhiều nước trong phe XHCN đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với VNDCCH.

Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân VN đã kết thúc thắng lợi với trận Điện Biên Phủ vang dội, 9 năm sau kể từ ngày độc lập.

“Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực (Phần II)


Đại gia đình XHCN, tuy nhìn bên ngoài có vẻ rất đoàn kết, song xem ra bên trong không ít chuyện, từ lục đục nội bộ đến tranh cãi nhau trong lĩnh vực hình thái ý thức, kể cả xung đột quân sự. Sau khi Xtalin mất, Khơrútsốp giành được quyền lãnh đạo, liền tiến hành phê phán Xtalin, đặc biệt là bản báo cáo làm kinh ngạc toàn thế giới tại Đại hội lần thứ XX ĐCS Liên Xô: “Về tệ sùng bái cá nhân và hậu quả của nó”. Tiếp sau đó, xác của Xtalin bị đưa ra khỏi lăng Lênin và được chôn bên ngoài bức tường Điện Kremlin.

Mao, dĩ nhiên là không thích gì cái việc phê phán tệ sùng bái cá nhân Xtalin, vì ông ta sợ việc đó xảy ra với chính ông ta. Mao nhiều lần “gây sự” với Khơrútsốp, bày ra trò mặc quần áo tắm hội đàm bên bể bơi trong Trung Nam Hải, buộc “ông anh Cả” trở mặt trước. Thậm chí, Mao còn đập bàn khi Khơrútsốp muốn thương lượng với Mao về cái mà Mao gọi là “hạm đội liên hiệp” – chẳng qua là việc lập một số trạm thu phát sóng trên đất Trung Quốc phục vụ cho hoạt động tàu ngầm của Liên Xô.


Thế là, “tuần trăng mật” giữa “hai ông anh” nhanh chóng chấm dứt. “Hai ông anh” bùng nổ cuộc đại luận chiến về chủ nghĩa xét lại hiện đại. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, cái oai phong của “ông anh Cả” và trào lưu tư tưởng cực tả của “ông anh Hai” đều quá đáng và gớm ghiếc.

“Hai ông anh” đều ra sức lôi kéo Việt Nam, nhưng họ không thể nào đạt được mục đích. Bây giờ, ta càng thấy rõ vai trò đặc biệt của Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử đầy biến động ấy.

Các sử gia Trung Quốc thường ca ngợi Đặng Tiểu Bình dũng cảm đấu lại “ông anh Cả”. Tại cuộc gặp ở Mátxcơva, Khơrútsốp tấn công:

- Các đồng chí nói phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, thế nhưng những ý kiến mà phía chúng tôi nêu ra, các đồng chí không hề tiếp thu. Cuộc hội đàm Xô – Mỹ, các đồng chí đã ca phản điệu.

- Chúng tôi mà ca phản điệu ? Khang Sinh lạnh lùng nói. Không có Trung Quốc ký tên, bất kỳ hiệp ước nào mà các đồng chí ký tên đều không có sức ràng buộc với Trung Quốc.

Khơrútsốp bực bội:

- Đứng đầu không chỉ là lộ mặt triệu tập hội nghị, cái “đầu” như vậy, chúng tôi không cần.

Đặng phản kích:

- Đứng đầu cũng không phải “đảng cha bố”, có thể ra lệnh, bắt các đảng khác theo.

- Hừ, có những đảng miệng thì tuyên truyền phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, mà trên thực tế lại bẻ gãy bệ của Liên Xô. Trong các vấn đề quá độ hòa bình, hòa hoãn Đông – Tây, cắt giảm quân bị, gặp gỡ cấp cao Xô – Mỹ, họ đều hát phản điệu với chúng tôi.

Nhớ lại trước đó, Mao đề xuất ý kiến phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, song lãnh đạo ĐCS Ba Lan Gomulko không tán thành cách nêu “Liên Xô đứng đầu”, các quốc gia không biệt lớn nhỏ, đều bình đẳng.

Mao nói:

- Cần người đứng đầu hay không, đây không phải là công việc đơn phương của chúng ta. Đế quốc chủ nghĩa có người cầm đầu, chúng ta cũng phải có người đứng đầu. Hễ có sự việc gì thì sẽ có một người đứng ra triệu tập. Lấy hội nghị này mà nói, Liên Xô không đứng ra, chúng ta biết làm thế nào ? Liên Xô có bao nhiêu lực lượng, tôi và đồng chí có bao nhiêu lực lượng ? Chúng ta, ai có thể thay thế được vai trò của Liên Xô ?

Khi Khơrútsốp nói với Mao rằng nên để Liên Xô và Trung Quốc cùng đứng đầu, Mao đáp: Chúng tôi chưa có tư cách.

Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi Khơrútsốp càng bực tức, tiếp tục tấn công Lưu Thiếu Kỳ và Đặng:

- Chúng tôi không có Trung Quốc vẫn có thể sống được. Năm đó, chúng tôi không muốn đứng đầu, các đồng chí bắt phải đứng đầu ! Chúng tôi đã đứng đầu rồi, các đồng chí lại nhổ nước bọt vào ống nhổ của chúng tôi…

Tranh cãi giữa “hai ông anh” ngày càng gia tăng, làm cho các ĐCS khác trong phe XHCN lo ngại sâu sắc. Hội nghị 81 đảng càng họp càng căng thẳng. Trung Quốc tuyên bố không ký tên vào văn kiện, mặc cho các ĐCS khác năn nỉ, nếu không ký tên sẽ gây chia rẽ.

Trong khi đó, Đảng Lao động Việt Nam trước sau vẫn đứng giữa “hai ông anh”, khẩn trương và tích cực hòa giải. Hồ Chí Minh nói với Khơrútsốp:

- Đồng chí Khơrútsốp, Trung Quốc là một nước lớn, ĐCS Trung Quốc là một đảng lớn. Đồng chí không thể để cho phong trào của chúng ta xuất hiện sự bất đồng, đồng chí cần phải khiến cho người Trung Quốc ký tên vào Tuyên ngôn với chúng ta. Chỉ có nhất trí ký tên, văn kiện này mới có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi.

Cuối cùng, Liên Xô chọn con đường thỏa hiệp và “Tuyến bố Mátxcơva” được 81 đảng thông qua. Tuy nhiên, mọi bất đồng giữa “hai ông anh” vẫn còn nguyên đấy.

Tại Việt Nam, cuối thập kỷ năm mươi, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã quyết định tiến hành đấu tranh vũ trang để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Song, với quỷ kế của mình, Bắc Kinh khuyên Hà Nội nên tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài. “Không thể giải quyết vấn đề chia cắt đất nước trong chốc lát. Nó cần một thời gian dài…nếu mười năm không đủ, chúng ta phải sẵn sàng đợi đến một trăm năm”. Sức ép của “ông anh Hai ” là không hề nhỏ.

Hà Nội cũng gấp rút tìm kiếm sự hỗ trợ của “ông anh Cả”. Một đoàn đại biểu cấp cao do Lê Duẩn dẫn đầu, với các thành viên Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan đã tới Mátxcơva cuối tháng 1.1964. Mục đích của chuyến thăm là thuyết phục các nhà lãnh đạo Xô viết hãy ủng hộ những quyết định của Đảng Lao động Việt Nam. VNDCCH đã chuẩn bị một bài phát biểu dài 73 trang để giải thích quan điểm của mình về chiến tranh và hòa bình, về phong trào giải phóng dân tộc, về sự thống nhất của phe XHCN.

Có vẻ như “ông anh Cả” không thỏa mãn với lập trường của Hà Nội. Khơrútsốp đã cho các nhà lãnh đạo Hà Nội hiểu rằng, sẽ không có triển vọng hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nếu Hà Nội không thay đổi lập trường, bất đồng giữa hai nước nhiều hơn là nhất trí. Tuy nhiên, Mátxcơva vẫn lạc quan về chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Báo Pravda, ngay sau đó đã đăng bài “ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam” và rằng “Liên Xô vẫn là người bạn đáng tin cậy cho tất cả những ai đấu tranh cho hòa bình, tự do và giải phóng dân tộc”.

Liên Xô thấy rõ ảnh hưởng của Trung Quốc là quá nhiều ở Việt Nam. Nhiều bài viết trên báo chí ca ngợi tình hữu nghị Việt – Trung. Số lượng các đoàn đại biểu hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau lớn gấp hàng chục lần so với Liên Xô. Phía Trung Quốc cũng nỗ lực ngăn cản viện trợ của Liên Xô cho VNDCCH bằng cách hứa cho không VNDCCH hai tỷ nhân dân tệ để đối lấy việc VNDCCH từ chối nhận bất kỳ một hình thức giúp đỡ nào của Liên Xô. Dĩ nhiên, đề nghị đó của Trung Quốc bị VNDCCH khước từ.

“Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực (Phần III)


Cuộc đại luận chiến giữa “hai ông anh” được đẩy tới cao trào khi Trung Quốc tung ra “Những kiến nghị về đường lối chung của phong trào Cộng sản quốc tế”, trình bày 25 ý kiến của ĐCS Trung Quốc, thường được gọi tắt là “25 điều”. Nó chính là bức thư của “ông anh Hai” trả lời bức thư ngày 30.3.1963 của “ông anh Cả”.

Nguyên đây là bài viết có tên “Kiểu Trương Nhiếp Lâm ” của Trần Bá Đạt – một trong những lý luận gia xuất sắc nhất của ĐCS Trung Quốc. Trương Nhiếp Lâm là danh thủ bóng bàn Trung Quốc rất giỏi trong việc phòng thủ, đỡ, gạt, có thể cứu được các kiểu bóng hiểm, bay lắt léo mà đối phương tung ra, khác Trang Tắc Đống – một danh thủ bóng bàn Trung Quốc khác, rất giỏi tấn công nhanh. Trần Bá Đạt đã đọc được ý tứ sâu xa của Mao khi ông ta chỉ thị khởi thảo bức thư trả lời: “Cái mà ta cần là kiểu Trương Nhiếp Lâm, không cần kiểu của Trang Tắc Đống”. Bài viết “Kiểu Trương Nhiếp Lâm ” của Trần Bá Đạt rất được Mao và BCT tán thưởng.

Mao yêu cầu gửi bài viết cho Hồ Chí Minh và Kim Nhật Thành để trưng cầu ý kiến.


“Ông anh Cả” lập tức phản ứng. Báo chí Liên Xô nhằm thẳng vào “25 điều” của Trung Quốc để phê phán. Đồng thời, liên tục phát đi các bài xã luận: “ĐCS Liên Xô giương cao ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa Lênin”; “Sự nhất trí không gì phá vỡ nổi giữa Đảng và nhân dân”; “Chúng ta trung thành với chủ nghĩa Lênin”…”Ông anh Hai” đấu lại bằng cách tung ra liên tiếp 9 bài bình luận nổi tiếng – tức “cửu bình”.

Trong khi “hai ông anh” đang ra sức chửi nhau bằng đủ các loại các ngôn từ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam xuất hiện bước ngoặt mới. Ngày 5.8.1964, xẩy ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Quốc hội Hoa Kỳ, với số phiếu tuyệt đối, nhất trí thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống Johnson, với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội, “thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm đánh lui mọi hành động tấn công vũ trang chống các lực lượng Hoa Kỳ và ngăn ngừa những hành động xâm lăng khác”.

Trung Quốc, với âm mưu “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” và tạo ra vùng đệm an toàn ở phía Nam, nhanh chóng ra tuyên bố: “Nước VNDCCH là một thành viên của phe XHCN, không một nước XHCN nào có thể ngồi nhìn Việt Nam bị xâm lược. Mỹ xâm phạm nước VNDCCH tức là xâm phạm Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc quyết không thể khoanh tay ngồi nhìn”.

Các cuộc mít tinh khổng lồ, có từ hàng vạn đến gần một triệu người liên tiếp được tổ chức tại Bắc Kinh, ủng hộ Việt Nam, lên án Mỹ. Mao, Lưu, Chu, Chu, Đặng đều lên thành lầu Thiên An Môn, cùng với quần chúng nhân dân “hét vang các khẩu hiệu chống Mỹ”.

Gặp gỡ Hồ Chí Minh, Mao nói:

- Hồ Chủ tịch, đồng chí đến từ Việt Nam, tôi ở Hồ Nam, chúng ta người một nhà cả ! Có khó khăn gì ? Cần người có người, cần vật có vật, đồng chí đừng khách sáo.

Một đoàn đại biểu cấp cao khác, do Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp dẫn đầu, đã đến Bắc Kinh, yêu cầu Trung Quốc gia tăng viện trợ, cử sang Việt Nam lính công binh, lính đường sắt, bộ đội pháo cao xạ. Võ Nguyên Giáp hai lần hội đàm với La Thụy Khanh, Tổng tham mưu trưởng và Dương Thành Vũ, Phó Tổng tham mưu trưởng, bàn việc giải quyết các vấn đề cụ thể.

Thi hành chính sách “đứng giữa” của mình, Việt Nam đã hết sức khôn khéo và linh hoạt để “hai ông anh” không phật ý và đều sẵn sàng viện trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến với người Mỹ.

Về phía “ông anh Cả” Liên Xô, viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam được tăng đều đặn từ năm 1965 đến 1968. Liên Xô gửi tới Bắc Việt Nam các thiết bị công nghiệp, viễn thông, xe tải, trang thiết bị y tế, máy móc công cụ…Thời gian đầu, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam ít hơn của Trung Quốc. Đến năm 1967, toàn bộ viện trợ các nước XHCN cho Việt Nam đạt khoảng 1,5 tỷ đô la.

Liên Xô cố gắng đáp ứng yêu của của Việt Nam bằng cách cung cấp nhiều loại vũ khí và đạn dược nhằm bảo vệ VNDCCH trước các đợt không kích của Mỹ và tăng cường khả năng phòng không của Bắc Việt Nam. Quan trọng nhất có thể kể tới là tên lửa “đất đối không”, máy bay phản lực chiến đấu, súng phòng không và các trang thiết bị phòng không khác. Tháng 7.1965, tên lửa “đất đối không” đã hạ một chiếc F4C trên bầu trời gần Hà Nội. Các vũ khí phòng không của Liên Xô đã trở thành những nỗi ám ảnh thường trực đối với chỉ huy và binh sỹ Hoa Kỳ trong các chiến dịch không kích trên bầu trời Bắc Việt Nam.

Liên Xô còn đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn sỹ quan để phục vụ cho ngành không quân và phòng không. Con trai các ông Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn là Võ Điện Biên và Lê Kiên Thành đã từng học ngành kỹ thuật hàng không ở Liên Xô.

Giúp Việt Nam chống lại người Mỹ, các nhà lãnh đạo Liên Xô không chỉ nhìn ở các lợi ích chính trị, tư tưởng mà còn lưu tâm tới các cơ hội thử nghiệm vũ khí trên chiến trường, thu thập thông tin vũ khí mới nhất của Mỹ qua chiến lợi phẩm. Một hiệp định với Hà Nội đã được ký kết, Mátxcơva yêu cầu Hà Nội thu thập, đánh giá những mẫu vũ khí, trang bị quân sự Mỹ và một nhóm chuyên gia quân sự được gửi tới Việt Nam. Họ có nhiệm vụ thu thập các bộ phận máy bay Mỹ bị bắn rơi, các vũ khí khác thu được, kiểm tra những trường hợp vũ khí Liên Xô không hoạt động tốt và gửi những đánh giá, kết luận về Liên Xô. Từ tháng 5.1965 đến đầu năm 1967, các chuyên gia đặc biệt của Liên Xô đã chuyển về Mátxcơva hơn 700 mẫu các trang thiết bị quân sự Mỹ, gồm những bộ phận của máy bay phản lực, tên lửa, ra đa và trang thiết bị thám ảnh.

Hoạt động này tỏ ra rất có hiệu quả. Các chuyên gia Liên Xô tìm ra các phương pháp bảo vệ Bắc Việt Nam thoát khỏi không kích của Mỹ. Chẳng hạn, việc cải tiến hệ thống Dvina đã bắn rơi máy bay F111A của Mỹ mà tốc độ bay lên tới 3.700 km/giờ.

Bây giờ, ta lại đến với “ông anh Hai”. Hà Nội đã phản đối những đề nghị của Bắc Kinh đòi gửi thêm quân tới lãnh thổ Việt Nam, ngoại trừ lính công binh và đường sắt. Nếu chấp nhận điều đó, có nghĩa là Hà Nội phải phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh – điều mà các nhà lãnh đạo VNDCCH không mong muốn. Song, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam rất thận trọng để giữ quan hệ với người hàng xóm khổng lồ phương Bắc. Một khối lượng lớn hàng viện trợ từ các nước khác, kể cả Liên Xô phải đi qua lãnh thổ Trung Quốc, mỗi tháng từ 8 đến 9 ngàn tấn. Làm sao để không bị cắt đứt kênh phân phối này là vấn đề rất quan trọng, bởi khi cần, Trung Quốc sẽ dễ dàng giở trò. Hãy đọc một chuyện ông Trần Đĩnh kể lại trong Đèn cù: “Do tên lửa Liên Xô gửi cho Việt Nam qua đất Trung Quốc đã bị Trung Quốc giữ lại đòi khám và “áp tống” sang Việt Nam. Biết Trung Quốc muốn đánh cắp bí mật làm tên lửa, Liên Xô phản đối. Cuối cùng, 28 Tết âm lịch Đinh Mùi, Cụ Hồ đành cử Lê Thanh Nghị sang cầu khẩn Mao cho gặp. Nghị nói thưa Chủ tịch, lẽ ra Hồ Chủ tịch chúng tôi sang gặp Chủ tịch nhưng Hồ Chủ tịch chúng tôi sức yếu không thể đi. Mao bèn hỏi: “Sao mà yếu?” – “Dạ, Hồ Chủ tịch chúng tôi quá lo lắng vì máy bay Mỹ đánh phá ác liệt mà chúng tôi thì hết tên lửa do Trung Quốc và Liên Xô chưa thoả thuận được việc chuyển tên lửa.” Mao nói ngay: “Ồ, tưởng gì chứ thế thì dễ.” Quay sang Chu Ân Lai: “Tổng lý giải quyết việc này để cho Hồ Chủ tịch chóng khoẻ lại”.

Ảnh hưởng của “hai ông anh” vẫn tiếp tục diễn ra ở Việt Nam, có lúc nghiêng về Trung Quốc, tuy Hà Nội luôn cố gắng cân bằng hai mối quan hệ đó. Các nhà lãnh đạo VNDCCH đã bắt đầu nghi ngờ về mục tiêu của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Hợp tác với Mátxcơva sẽ tạo cho Hà Nội một cơ hội thoát khỏi sự bảo trợ quá đáng của Trung Quốc và có được một vị trí độc lập hơn trong quan hệ với Bắc Kinh.

2 comments:

  1. bài viết rất hay
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete
  2. bài viết rất hay
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete