Sunday, January 5, 2014

Nếp nhà và nét đẹp văn hóa



NGỌC PHƯƠNG NAM
. Đọc lại và suy ngẫm. Nguyễn Trãi có câu  “Nên thợ, nên thầy nhờ có học/ No ăn, no mặc bởi hay làm”. Làm và Học là hoạt động sống cơ bản của con người để đáp ứng nhu cầu tối thiểu  ăn mặc, yêu đương, nhà ở, đi lại và chăm sóc sức khỏe. Chất lượng cuộc sống xét cho cùng là “sự phát triển tự do của mỗi người”. Minh triết của đời người hạnh phúc là biết sống thung dung, phúc hậu, thanh thản, an nhiên tự tại, nhận ra kho báu vô giá của chính mình, không lo âu, không phiền muộn, sống với tinh thần dịu hiền và trái tim nhẹ nhõm.. GS. Hoàng Ngọc Hiến đã bình giảng khá hay về điều "Nên thợ nên thầy", "No ăn no mặc"  này. "Nếp nhà" là một bài viết rất đáng suy ngẫm của Nguyễn Khải. cùng với bài viết "Cụ Hoàng Giáp dạy con" của Vu Gia đã cho thấy nét đẹp văn hóa của những gia đình hạnh phúc. Xuân đến lộng lẫy sắc mai vàng, xin trân trọng tuyển chọn, giới thiệu nếp nhà và nét đẹp văn hóa.


“ NÊN THỢ NÊN THẦY” “NO ĂN NO MẶC”

Hoàng Ngọc Hiến

Ngày nay có những quan điểm  kinh tế, chinh trị của  Mác đã trở nên lỗi thời, nhưng trong nguồn minh triết của tư tưởng của Mác có những viên ngọc quý càng ngày càng sáng giá.  Tư tưởng quan trong nhất  của minh triết  Mác được  trình bày minh xác  trong câu văn nổi tiếng : “…sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” (câu kết thúc chương 2 bản “Tuyên ngôn cộng sản”).

Chủ bút  báo “Kỷ nguyên mới”, một tuần báo xã hội chủ nghĩa Ý có nhờ Engels chọn trong toàn bộ trước tác cuả Mác một câu làm đề từ cho tờ báo, một câu “diễn đạt”được tư tưởng của chủ nghĩa xã hội tương xứng với câu nói của Dante được viết để định nghĩa “Kỷ nguyên cũ”: “ Một số người trị vì còn những người khác thì đau khổ”. Engels đã chọn câu nói trên để diễn đạt tư tưởng của “Kỷ nguyên mới”[i] Trong câu này được nhấn mạnh quyền tự do cao nhất của con người là tự do phát triển, những quyền tự do chinh trị (đi lai, ngôn luận, tin ngưỡng, hội họp…) tạo điều kiện cho sự tự do phát triển, chúng là những phương tiện, “tự do phát triển” mới là cứu cánh. “Tự do phát triển”, vậy thì phát triển cái gì? Đó là sự phát triên những “năng lực nhân tính” (Mác), còn gọi là những “năng lực bản chất của loài người” được chứa đựng ở con ngưới (cần hiểu năng lực nhân tính theo nghĩa rộng: biết nói, biết đi cũng là năng lực nhân tính, biết “nuôi con” ,biết “nựng”, biết âu yếm con – không phải người mẹ nào cũng làm được – là một năng lực nhân tinh cao quý không kém gì giỏi toán, giỏi ngoại ngữ, có tài năng nghệ thuật, có tài quản lý, lãnh đạo …; biết chơi, biết yêu là những năng lực nhân tính vĩ đại của con người, người chỉ biét làm không biết chơi là một ngươi bất hạnh, “không biết yêu” là một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất đời người…).Trong câu của Mác được trích dẫn, từ-chìa khóa là “tự do phát triển”. Trong câu của Dante “Kỷ nguyên cũ” được định nghĩa bằng “sự trị vì” của một số  người và “ sự đau khổ” của những người khác. Để định nghĩa “Kỷ nguyên mới” Mác đưa ra một thước đo hoàn toàn khác: “sự phát triển tự do “ của “mỗi người” và  của “mọi người” Mác đã lấy thước đo này để phân loại những kiếp người, những sô phận con người: “ Một thiểu số được độc quyền phát triển,còn đa số những kẻ khác- do thường xuyên phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết – …thì bị tước đoạt bất kỳ khả năng phát triển nào”[ii] Số kiếp của toàn bộ một giai cấp có khi cũng được Mác xác định bằng thước đo này: sự phát triển được thực hiện ở một số ít cá nhân, trong khi đó “ đa số cá nhân và có những giai cấp toàn bộ bị hy sinh”[iii].Sự phát triển tự do những năng lực nhân tính ở “mỗi người” cũng như ở “mọi người”, đây là thước đo cơ bản của sự phát triẻn , học thuyết phát triển của chúng ta cần đặc biệt quan tâm.

Coi trọng sự phát triển tự do của “mỗi người” là coi trọng cá nhân. Và xem “sự phát triển tự do của mỗi người” là “diều kiện” cho “sự phát triển tự do của mọi người”, phải chăng là có sự ưu tiên dành cho sự phát triển của cá nhân ? Dù thế nào đi nữa thì sự phát triển tự do của “mỗi người” bao giờ cũng  “ liên đới một cách  tất yếu với sự phát triển tự do của mọi người”[iv] Tính “liên đới” ở đây là tinh thần trách nhiệm, là lòng kính trọng phải có của cá nhân đối với những cá nhân khác và đối với cộng đồng.
Sự phát triển những năng lực nhân tính  đòi hỏi những điều kiện tối thiểu. Mác đã nêu lên những điều kiện này trong một câu đã được trích dẫn ở trên: “…đa số những kẻ khác – do thường xuyên phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết – …thì bị tước đoạt bất kỳ khả năng phát triển nào”.Nói một cách nôm na, suốt ngày, quanh năm, …suốt đời phải vật lộn kiếm “miếng cơm, manh áo” thì làm sao mà phát triển được! “Những tư tưởng lớn gặp nhau.”.

Cũng như Mác, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nam Cao… đều đặt sự phát triển những năng lưc nhân tính như là mục tiêu cao nhất, mục tiêu tối hậu của sự làm người nhưng không bao giờ quên chuyện “ cơm áo


Nguyễn Trãi:

Nên thợ nên thầy vì có học
No ăn no mặc bởi hay làm

(bài thơ số 173 trong tập “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi)


Vẻn vẹn trong hai câu thơ được đặt ra những vấn đề và  những yêu cầu cơ bản nhất của cuộc sống làm người : “làm”và “học”, “no ăn no mặc”,“nên thợ nên thầy”.  “No ăn no mặc” là điều kiện tối thiểu để phát triển, “nên thợ nên thầy” là sự đòi hỏi phát triển những năng lực nhân tính. Trong quan niệm truyền thống, “học” được gắn với những yêu cầu “thông kinh thuộc sử”, “khoa danh hoạn lộ”. Ở đây, “học” được gắn với “nên thợ nên thầy”, không có sự phân biệt năng lực“làm thợ”, năng lực “làm thầy”, đó là một tư tưởng giáo dục học vĩ đại của Nguyễn Trãi

Hồ Chí Minh:
Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trong cấu trúc lý tưởng nhân văn này của Hồ Chí Minh, sự phát triển những năng lực của con người thông qua “học hành” là mục tiêu cuối cùng. Nhưng muốn thực hiện mục tiêu này thì phải có “độc lập ,tự do”,có “cơm ăn, áo mặc”. Có một sự tương đồng khá rõ giữa lý tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi và lý tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh.Cả hai vĩ nhân này đều là sự hiện thân của tinh thần đấu tranh cho “độc lập, tự do”,đều đặt lên hàng đầu nhu cầu “cơm ăn, áo mặc” – điều kiện tối thiểu  cho sự phát triển và sự “học hành” – hoạt động cơ bản  phát triển những năng lực nhân tính của con người.
Nam Cao là tác gia hiện đại có những cảm hứng nhân văn gần gũi hơn cả với minh triết chủ nghĩa Mác.Cảm hứng này được bộc lộ  trong những suy nghĩ day dứt  của Thứ về cách sống và lẽ sống làm người: “Thứ – tác giả viết – không thể nào chịu được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình, vợ con mình có cơm ăn áo mặc thôi. Sống là để làm cái gì đẹp hơn nhiều, cao quí hơn nhiều.Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình”[v]… (H.N.H. tô chữ đậm). Sau đây là mấy câu đối thoại giữa Thứ và Sang, một trong những đoạn đối thoại hay nhất trong truyện Sống mòn :
Y mỉm cười chua chát hỏi San:Nếu gia đình anh có cách sinh nhai chắc chắn rồi, anh chỉ nghĩ đến anh thôi, thì anh sẽ làm gì?Tôi học vẽ, tôi thích vẽ ngay từ hồi mười ba, mười bốn tuổi.Ông giáo nào cũng phải để ý đến cái khiéu vẽ của tôi và bắt tôi vẽ những bức tranh trong lớp. Giá tôi được học, chắc chắn tôi có thể thành họa sĩ”[vi]
Hóa ra ở một con người tầm thường và phàm tục như  San, nhà văn Nam Cao không nỡ tước bỏ khát vọng nhân văn phát triển những mầm mống tài năng, một sự phát triển vô tư, không vụ lợi, hoàn toàn theo sở thích, sở trường riêng của mình.Trong cuộc sống của San, dạy học chỉ là hoạt động sinh nhai vì “miếng cơm manh áo” cho “mình và vợ con mình”, đó là hoạt động trong “vương quốc của sự tất yếu” (Marx), “chưa thoát khỏi xiềng xích của cái đói và cái rét” (Nam Cao); “vẽ”, đó là sự phát triển tự do của San, là hoạt động trong “vương quốc của tự do”.Ở trên có dẫn ý kiến của Marx về  bi kịch của đa số người lao động trong xã hội cũ: chừng nào con người còn phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết nhất thì chưa thể nói đến sự phát triển.Nam Cao đã đề cập đến vấn đề này qua những suy nghĩ hằn học của nhân vật Thứ về kiếp sống của y “khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất”: “…Sao mà cái đói nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn ,lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí,sức lực,lo tính đều dùng vàoviệc ấy…Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng la  làm thế nào cho không chết đói…”[vii]
[i] Xem K.Marx và F.Engels. Tác phẩm (bản tiếng Nga)t.29,tr.28
[ii] Nhưtrên,t.3,tr.4
[iii] Như trên,t.26,phần II, tr.123
[iv] Như trên,tập 3,tr.441
[v] Nam Cao.Sống mòn .1963.tr.202
[vi] Như trên , tr.202
[vii] Như trên, tr. 113


NẾP NHÀ
Nguyễn Khải
“Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin”.
1

Mỗi lần ra Hà Nội việc đầu tiên là tôi phải tới thăm bà cô tôi. Chẳng có quà cáp gì cả, đến tay không, nhưng vẫn cứ phải đến. Vì bà là cái túi khôn của tôi mà. Năm nay các con bà sẽ làm lễ mừng thọ mẹ tám mươi tuổi. Các cụ nói: Năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời. Người tám mươi tuổi lại vẫn minh mẫn, khôn ngoan, không chừng hiểu được cả then máy của Tạo hóa. Nói chuyện với bà tôi vẫn chờn chợn như ngày nào được hầu chuyện cụ Nguyễn. Nghĩa là vẫn phải uốn lưỡi trước khi hỏi, trước khi trả lời. Một ngôi nhà đẹp, một cửa hàng tuyệt vời ngay giữa một đại lộ trung tâm trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm mà chỉ bày bán lèo tèo mấy mặt hàng sơn mài, tượng gỗ thì uổng quá, coi khinh thiên hạ quá. Bà cụ cười: “Anh đã bắt đầu có con mắt thương mại rồi đấy nhỉ?” Con mắt thương mại thì chả dám nhưng với con mắt của người bây giờ thì ngôi nhà, nói cho chính xác hơn là miếng đất, của bà cô tôi cũng phải đáng giá một triệu…, tất nhiên là triệu đô. Cũng chả phải do mình đặt giá mà là đại diện các công ty nước ngoài tới trả giá. Ngày nào cũng có vài nhóm người tới hỏi nhưng bà cụ chỉ nhã nhặn trả lời: “Tôi không có ý định bán hoặc cho thuê cái nhà này.” Cho thuê cũng nhiều tiền lắm. Đã có người hỏi thuê chỉ mấy chục mét vuông của gian ngoài thôi, mỗi tháng trả năm ngàn đô, trên mười cây vàng. Vẫn là không, không bán mà cũng không cho thuê. Tại sao cụ lại gàn thế? Vì các em anh không muốn thế, cho đến hôm nay chúng nó vẫn đi làm cho nhà nước, không buôn bán gì cả, không mánh mung gì cả. Lương tiêu không đủ thì tôi bù. Bán các mặt hàng vớ vẩn như anh nói nhưng mỗi tháng cũng kiếm được khoảng trên dưới dăm triệu. Này, dăm triệu không phải là ít đâu anh nhá! Theo tôi được biết, từ trẻ đến già cô tôi sống theo một số nguyên tắc, thời thế có thể thay đổi nhưng cách sống của bà dứt khoát không thay đổi. Đó là: sống thẳng thắn, sống lương thiện và sống theo pháp luật hiện hành. Những năm Pháp tạm chiếm Hà Nội, chú tôi vẫn mở trường dạy học tư như thời trước, còn cô tôi ấn hành sách giáo khoa cấp tiểu học do chú tôi soạn. Có một tác giả đưa tập thơ “Đồi thông hai mộ” bán cho bà. In tập thơ đó chắc chắn sẽ thu lãi nhiều, bà biết thế nhưng vẫn từ chối. Vì Nhà xuất bản Nguyễn Du do bà chủ trương chỉ in có sách giáo khoa, đúng như trong giấy phép. Năm 56, cán bộ thuế tới kiểm tra kho giấy của bà để đánh thuế tồn kho, khoảng hai chục triệu. Chú tôi tính vốn nhát, vui vẻ bằng lòng ngay. Cho đỡ phiền. Nhưng bà vợ không chịu vì giấy in sách giáo khoa xưa nay không phải đóng thuế. Đã được miễn thuế thì làm gì có thuế tồn kho. Bà bướng bỉnh đến nguy hiểm, ai cũng sợ nhưng bà vẫn thản nhiên: “Lý của mình đúng, việc gì phải sợ”. Quả nhiên bà đúng thật. Bà luôn luôn đúng vì bà rất tỉnh táo trong mọi mối quan hệ, chỉ nhận những gì đáng có, có quyền được có, tuyệt đối không để bị dụ hoặc về tiền bạc cũng như về tình cảm. Một cái đầu hơi lạnh, lắm lúc tôi đã nghĩ về bà như thế. Nói cho ngay, nếu không có cái đầu lạnh làm sao bà giữ nổi một ngôi nhà quá ngon lành, quá quyến rũ trong bấy nhiêu năm, không gặp một chuyện rắc rối nào. Cho đến bây giờ đã sang tuổi tám mươi bà vẫn biết từ chối những đồng tiền rất hợp pháp ắt hẳn phải có một tính toán khôn ngoan nào đó. Cái khôn ngoan cao siêu chứ không phải là khôn vặt.

2

Mùa xuân ở Hà Nội bao giờ cũng đẹp. Với tôi đã nhiều năm không được sống ở Hà Nội vào mùa xuân lại càng thấy đẹp. Một chút lạnh trong hơi gió tạt qua mặt. Một chút mưa bụi bay lây rây như có như không. Trời hơi tối, mặt đường hơi sẫm nhưng mặt người và quần áo rét họ mặc cứ sáng bừng lên những mầu sắc tươi tắn. Đã có mùi son phấn và nước hoa bất chợt thoảng qua ở một góc phố, trong một đám đông. Nói nhỏ đi, cười nhỏ hơn, ít nghe những câu chửi tục, những tiếng đệm tục. Giàu hơn trước nhiều, sang hơn trước nhiều, cứ cho là bề ngoài thì cũng vẫn rất đáng mừng. Chỉ có nhà bà cô tôi là ít thay đổi, hầu như không thay đổi. Vẫn mấy chiếc xe máy đã cũ, và vẫn còn nhiều xe đạp, loại xe đạp cà tàng từ những năm nào. Trời nắng các em đi xe máy, trời mưa đi xe đạp, đỡ phải rửa xe. Ăn mặc của bà cụ, của các em cũng chả có gì sang hơn, như trước đây, ngày trước với Hà Nội đã là sang, bây giờ là quá thường. Bây giờ con gái Hà Nội mặc quần chẽn đen, gót xẻ, có dải buộc dưới bàn chân, mặc măng tô lửng, hoặc đi bít tất đen dài, quần cộc, áo vét trùm qua mông. Đàn ông cũng diện lắm, áo vét tông các kiểu, thắt cà vạt đủ mầu, giầy đen, cứ như họ từ các đại sảnh bước ra. Không phải đâu, chỉ là quần áo thường ngày thôi, cũng giống như trước kia họ mặc áo bông xanh, quần ka ki vàng và đi dép nhựa. Chưa bao giờ tôi thấy người Hà Nội ăn mặc sang trọng như bây giờ. Chưa bao giờ tôi thấy phố xá chói lòa những tủ kính, những bảng hiệu và ánh sáng như bây giờ. Vậy mà một nhà giàu của Hà Nội có dư điều kiện để thay đổi lại không chịu thay đổi. Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”. Bà bảo, con dâu là vàng trời cho, mình không có công đẻ ra nó, cũng không nuôi nó ăn học ngày nào, bỗng dưng nó về nhận mình là mẹ, sinh con đẻ cái cho dòng họ, cáng đáng mọi việc từ trẻ đến già, không lễ sống nó thì thôi còn hoạnh họe nỗi gì. Bà chiều quý, và tôn trọng các con dâu thật lòng nên cả hai nàng dâu đều tâm sự với mẹ chồng: “Con ở với mẹ còn thoải mái hơn ở nhà với mẹ con”. Con rể và con gái được nhận nhà ở một khu tập thể, nhà chật, lại xa, con còn nhỏ. Nhưng anh con rể không muốn nhờ vả mẹ vợ, tự mình cũng thấy không tiện mà người ngoài nhìn vào càng không tiện. Bà biết thế nên bảo con rể: “Trong cái nhà của tôi có một phòng dành cho vợ anh. Của vợ anh tức là của anh. Cũng như mọi thứ của anh tức là của vợ anh. Chẳng lẽ anh bảo không phải”. Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao?” Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không?” À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.

3

Trở lại câu chuyện cũ, tại sao bà cụ không chịu bán nhà, chia tiền cho các con để họ lập cơ nghiệp riêng? Lớn rồi thì phải ở riêng, nó thuận lợi với sự phát triển. Con cái đã trưởng thành, vẫn bắt ở chung, ăn chung như trại lính, đâu có phải chuyện tính toán khôn ngoan. Bà cụ nghe tôi nói cười tít cả mắt, ra cái vẻ mọi sự bà đã tính cả rồi, đâu có đợi một thằng nhà văn ngây ngô mách nước. Bà nói, hiện nay các con bà vẫn thích đi làm cho nhà nước bằng cái nghề chuyên môn đã được đào tạo của mình. Ngoài giờ đi làm thì bọn nó đọc sách, dạy con học, bù khú với bạn bè. Họ thích sống như thế và có điều kiện để sống nhàn nhã như thế. Họ không có óc kinh doanh, không có nhu cầu phải kinh doanh. Không cần đến tiền thì không nên một lúc cầm quá nhiều tiền. Đồng tiền do may mắn mà có, do thời thế đổi thay mà có rất dễ là mầm mống của nhiều tai họa. Vì người có tiền chưa kịp học cách tôn trọng đồng tiền, sai khiến đồng tiền. Ở cái nhà này, theo tôi biết, chưa bao giờ họ mua vé số. Cũng không thờ cúng ông thần bà thánh nào, ngoại trừ ngày giỗ để anh em con cháu có dịp gặp gỡ nhau. Họ không cầu gặp may mắn, không săn đón may mắn. Họ chỉ nhận những cái đáng nhận. Bà cụ vẫn đi lễ các chùa miếu đền phủ với bạn bè nhưng bà không khấn. Bà cũng chưa từng xem tướng, xem bói, xin xăm. Ngày chú tôi mất mọi việc hậu sự chỉ một mình cô tôi lo liệu, không hỏi han bất cứ ai, không xem giờ xem ngày gì cả. Việc cưới xin của các con cũng thế. Đưa con gái đi, đón con dâu về tuyệt đối không có xem tháng xem ngày. Trong một lần trò chuyện, bà hỏi tôi: “Anh có phân biệt được người giàu lương thiện và kẻ giàu bất lương không?” “Trong bao lâu?” “Trong một lần tiếp xúc” “Thế thì khó!” Bà bảo, bà vẫn phân biệt được. Những đứa giàu lên do cướp đoạt, lừa đảo nói chuyện một lúc là biết. Bọn họ khinh người rẻ của lắm. Họ không tin một ai cả, càng không tin còn có lòng tốt ở đời. Họ chỉ tin có tiền. Tiền là quân của họ. Một đội quân giặc cướp, sẵn sàng tàn phá tất cả, tiêu diệt tất cả để đạt được những cái đích phù phiếm của chủ nó. Bà nói, bà là người biết quý trọng đồng tiền từ trẻ tới già, nhưng mấy năm gần đây bà lại sợ tiền. Nghe chuyện của thiên hạ mà sợ. Càng ít sờ mó tới tiền càng tốt. Nó có độc đấy! Bàn tay thương vợ, bàn tay yêu con, bàn tay nắm bàn tay của bạn bè đếm mãi tiền nhiễm độc lúc nào không hay, sẽ không còn là bàn tay của người nữa. Vì lẽ đó mà bà chưa muốn bán nhà. Các con bà cũng không ỷ eo, nài ép bà phải bán nhà. Thế là may. Nhưng cái may này còn kéo dài được bao lâu? Bà vốn không tin vào sự may rủi. Bà chỉ tin vào sự chuẩn bị của mình, chuẩn bị trong cái khả năng có thể, chứ liệu hết thế nào được những việc của chục năm sau.

4

Bữa tôi sắp trở vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi có lại chào bà. Cũng như mọi lần tôi nói nửa vui nửa buồn: “Mong cô khỏe mạnh mãi để mỗi lần ra, cô cháu mình có dịp bàn chuyện thế sự, văn chương”. Bà cụ cười rất hồn nhiên! “Nếu được sống thêm mươi năm nữa thì vui lắm đấy. Nhưng mà khó”. Vì biết là khó nên ngay từ năm ngoái bà đã làm chúc thư, phòng khi đột nhiên phải ra đi thì các con đã có cẩm nang hành động. Làm chúc thư là khó lắm, sống làm sao chia của làm vậy. Chia khéo thì trai gái dâu rể mãi mãi là con của mình, mãi mãi là anh em ruột thịt của nhau. Chia vụng thì xẻ đàn tan nghé ngay tức khắc, càng đông con cháu càng lắm mối họa. Trước hết bà gặp riêng năm người con của mình vào một buổi, con dâu con rể không được tham dự. Nguyên tắc làm chúc thư của bà là công khai và công bằng, không phân biệt trai gái, trưởng thứ. Tài sản chia làm sáu phần bằng nhau, năm con năm phần, mẹ một phần. Phần của mẹ hoặc gửi ngân hàng, hoặc đem kinh doanh, tùy, số lãi hàng năm lại chia làm sáu. Con trai đầu phải giữ việc hương khói được nhận hai phần. Bốn phần còn lại sẽ bỏ vào một quỹ riêng để chi các việc: Tu bổ nhà thờ, sửa sang phần mộ, góp giỗ tết với các chi khác và cấp đỡ cho bà con nghèo của hai họ nội ngoại. Đồ gỗ và đồ sứ trong nhà thì cho hai con trai. Đồ trang sức của mẹ thì cho ba con gái. Sau buổi họp bà cụ phân công cho con gái lớn viết lại chúc thư làm sáu bản, viết tay không đánh máy, cả sáu người đều ký, mỗi người giữ một bản, có giá trị trước pháp luật. Từ nay bán nhà hay cho thuê nhà bà cụ coi như không biết, đám thừa kế cứ theo nguyên tắc chia sáu mà xử sự. Bà cụ nói xong, nhìn tôi một lúc lâu rồi bà cười rất ý nhị:- Con người ta ai ai cũng có phần thiện phần ác. Muốn dưỡng thiện diệt ác thì trong nhà phải có gia pháp, ngoài xã hội phải có luật pháp. Trong gia pháp có phần truyền thống và danh dự của dòng họ, có phần đạo đức của người trên và nghĩa vụ của kẻ dưới. Gia pháp cũng phải theo thời mà điều chỉnh, quá ngược với thời thế thì con cháu khó theo, quá xu mị thời thế thì bỏ mất gốc rễ. Theo chỗ tôi biết gia pháp của nhiều danh gia vọng tộc ở Hà Nội đang gặp hồi khủng hoảng. Suốt mấy chục năm anh dạy các con anh khinh miệt đồng tiền, lên án tư hữu và những người giàu có đều là phần tử bất hảo. Bây giờ anh tính sao? Bây giờ các con anh đều lao vào kiếm tiền, đều nuôi mộng làm triệu phú tỷ phú trong chớp mắt. Khốn một nỗi chúng lại chưa từng được ai dạy bảo cái cách ăn ở với đồng tiền. Đồng tiền vừa là đày tớ vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc cướp, các con anh biết chọn cách nào? Chúng chỉ biết lựa chọn theo trực giác, theo kinh nghiệm tức thì, theo lợi ích trước mắt. Anh nghĩ xem, đã đến thế thì con người và nền văn minh của con người đã bị chúng gạt khỏi mọi sự tính toán rồi.

5

Mấy hôm trước trời ấm nhưng hơi nồm, chỗ nào cũng lép nhép nhầy nhụa đến khó chịu. Đêm như có mưa, hơi nặng hạt thì phải, hạt mưa gõ trên mái ngói nghe rất rõ. Sáng ra tất cả đã ráo khô, mảnh sân trắng toát, hè nhà trắng toát, trời khô và lạnh. Cái lạnh của mùa xuân thật dịu dàng, thở rất dễ, người rất nhẹ, mặc một cái áo len mỏng, khoác thêm một cái áo ngoài, đạp xe ra đường nhìn vào cái gì cũng đẹp. Huống hồ bây giờ Hà Nội lại đang đẹp, mỗi ngày một đẹp ra, trẻ ra. Lắm lúc nghĩ cũng tiếc đã trót đưa vợ con vào sống trong Sài Gòn. Tiếc thì tiếc chứ không thể làm lại được. Một chân đã thõng vào cõi hư vô rồi thì không nên bắt đầu bất cứ việc gì nữa. Không còn cả thì giờ để ganh ghét, để hờn giận. Chỉ còn đủ thời gian để làm lành, có thua thiệt vẫn cứ nên làm lành. Văn chương làm lành cố nhiên là không hay rồi, thôi kệ, vì cũng chả còn hơi sức đâu gây sự, dầu chỉ là gây sự vặt. Tôi đạp xe thong thả dọc đường Phan Đình Phùng bất chợt gặp một ông già khoảng tuổi tôi chạy bộ buổi sáng từ đường Cổ Ngư về. Ông chạy bên kia đường, tôi đạp xe bên này đường, lại có một thằng cha cưỡi xe Dream chạy chậm cùng chiều với tôi. Bỗng thấy hắn hét lên: “Chạy lộn đường rồi! Văn Điển đi lối kia cụ ơi!” Ông già đứng sững lại, thằng cha vừa hét quay mặt lại nhìn tôi nhăn răng cười. Chớ có ngạc nhiên! Rác của Hà Nội đấy! Hàng hóa nhiều tất nhiên rác rưởi phải nhiều chứ nghèo quá, đói quá lấy đâu ra rác.

http://thuvien.maivoo.com/Truyen-ngan-c1/Nep-Nha-d1245
 CỤ HOÀNG GIÁP DẠY CON Vu Gia
Từ những lời dạy sâu sắc, chân tình và gần gũi của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm mà đời con, đời cháu của cụ có nhiều người thành đạt, giúp ích cho đời

Biết tôi viết thư pháp chữ Hán không đến nỗi nào, chị Nguyễn Thị Dư Khánh (nguyên cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM) nhờ tôi viết mấy chữ: Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy / Tôn tài đại thịnh / Tôn nịnh đại suy. Rất có ý tứ, rất tâm huyết mà không kém phần hào sảng, tôi cho rằng trong gia đình thì chẳng nên treo mấy chữ này vì không phù hợp.
Chị cho hay trong cuộc gặp gỡ các tiến sĩ tân khoa, khi vua Thành Thái đề nghị mỗi người hãy góp kế sách giúp nước thì bố chị cô đúc mấy câu ấy. Thì ra, chị là con gái cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954).
Anh ruột của chị là nhà văn hoá – bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Dương (nguyên Khoa trưởng Văn khoa Đại học Đà Lạt trước 30-4-1975), GS Nguyễn Khắc Phi (nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục), kỹ sư – nhà văn Nguyễn Khắc Phê…
Một cách dạy con
Cụ Nguyễn Khắc Niêm lúc 17 tuổi đã đỗ cử nhân, 18 tuổi đỗ đầu khoa thi Hội (Thành Thái thứ 19, năm 1907), sắc ban “Đệ nhị giáp tiến sĩ” nên gọi là Hoàng Giáp.
Cụ từng giữ chức Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám (Huế), Đốc học Nghệ An, Phủ Doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hoá, đến tháng 2-1942 thì xin về hưu trước tuổi.
Vì vậy, tôi đề nghị chị Dư Khánh cho bản chữ Hán tôi mới dám viết chứ chữ nghĩa cụ Hoàng Giáp mà viết sai thì thật là thất lễ. Mấy ngày sau, chị mang tặng tôi cuốn Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn (Nhà Xuất bản Thuận Hoá, năm 2007).
Mấy chữ này được Trần Đại Vinh dịch: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hoà hợp / Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan / Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh / Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong. Dù kế sách được cụ ứng khẩu nhưng đó là tâm huyết của một đời và triều đại nào cũng cần thế cả.


Bốn người con cụ Hoàng Giáp (từ phải qua): GS Nguyễn Khắc Dương, GS-Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi, Nhà văn Nguyễn Khắc Phê.
Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Lớp con cháu cụ hiện nay ai cũng thành đạt, được nhiều người kính trọng. Có phải nhờ nếp nhà? Tôi không muốn hỏi con cháu vì có ai không muốn nói tốt về ông cha mình.
Để hiểu nếp nhà này, tôi lần tìm từ tư liệu của cụ được in trong cuốn Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn. Có lá thư cụ Hoàng Giáp gửi cho con trai (Nguyễn Khắc Viện) đang du học ở Pháp:
“Cher Viện,
Những cái thư con viết kỳ tháng 5-48, tháng 6-49, và cái thư con viết cho em Phương Thảo kỳ tháng 9-49, thầy đều tiếp được cả, biết rằng con ở bên ấy nay đã lành mạnh và có học hỏi thêm được nhiều, thầy và tất cả bà con lấy làm mừng lắm (…). Con cứ chăm bề bảo dưỡng sức khoẻ, không nên làm việc quá chừng, để cho được thiệt lành mạnh, nay mai về nước, đưa một ít tài học giúp vào công cuộc kiến thiết nước nhà, cho thoả lòng trông đợi của thầy, của bà con và của bạn bè, như lời con đã hứa trong thư trước, ấy là một điều nguyện vọng duy nhất của thầy trong lúc già cả này”.
Qua trích dẫn trên, thấy rằng cách cụ dạy con khá hay, đặt lên vai con tình cảm gia đình, bà con, bạn bè, đất nước, buộc con phải hiểu.
Trọng sự học
Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm có bài thơ Khuyến học, không chỉ nhắc nhở con cháu mà còn nhắc nhở mọi người. Với cụ, “Học biết năm ba chữ cũng là hay / Cho đến như nghề thụ súc việc cấy cày / Có cách thức mới có ngày tiến bộ / Như buôn bán tính hàng ghi sổ / Như thợ thuyền trù thước vẽ đồ / Biết bao nhiêu người trú tính mơ hồ / Chịu thua thiệt chỉ do vì tội dốt / Xin đừng kể gia kế giàu nghèo, thiên tư tốt xấu / Học cho sáng mắt bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu / Về sau lợi ích còn nhiều”.
Điều cụ Hoàng Giáp dạy bây giờ thấy rõ nhất. Cùng một mảnh đất như nhau nhưng nếu ai có trình độ hiểu biết hơn thì có thu hoạch tốt hơn và có thể làm giàu trên mảnh ruộng của mình.
 
Bài thơ Tôn tộc đại quy… (thư pháp của Vu Gia)

Cùng một nghề như nhau song nếu ai chịu khó học hỏi hơn, có hiểu biết hơn thì có thu nhập tốt hơn, có thể làm giàu bằng cái nghề mà mình đã chọn. Tuy nhiên, “lương nhà lính, tính nhà quan” cũng hỏng, bởi theo cụ “Của đâu cho kẻ nhác mần siêng ăn”.

Cụ dặn con cháu: “Chớ nên tập thói xa hoang / Rượu bạc nha phiến tìm đường tránh xa / Chè xanh cho đến thuốc trà / Cũng đừng mang nghiện rồi mà luỵ thân / Chỉ hai chữ kiệm chữ cần / Con em ta phải tập dần cho quen / Rồi ra trăm sự đều nên”.
Từ những lời dạy ấy mà đời con của cụ khá thành đạt, giúp ích cho đời; các cháu (nội, ngoại) của cụ cũng không hề thua kém.
Khi đất nước đổi mới, lớp cháu của cụ có người bước vào thương trường và gặt hái được những thành công, điển hình như người cháu nội của cụ – con trai GS Nguyễn Khắc Phi là Nguyễn Chí Linh, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Linh, sản xuất ổn áp LiOa nổi tiếng.

Vu Gia
Theo nld.com.vn
Xem thêm:
(1) Minh triết sống thung dung phúc hậu  (Hoàng Kim)

(2) Bài giảng đầu tiên. Hoàng Kim giới thiệu BBC Film The Life of Buddha – Cuộc đời đức Phật và sách Lời Phật dạy của Tiến sĩ Walpola Rahula, Lê Diên biên dịch. Nhà Xuất bản Mũi Cà Mau 1994 , 291 trang.
(3) Lên non thiêng Yên Tử (Hoàng Kim)
(4)
Giáo sư Trần Văn Giàu bài học lớn trong câu chuyện nhỏ (Hoàng Kim)
(5) Danh nhân Việt: Đọc lại và suy ngẫm (Hoàng Kim)
(6) Những câu nói nổi tiếng của Anhstanh về Phật Giáo (Huệ Minh)
(7) Đức Phật và con đường tuệ giác (Thượng Tọa Thích Huệ Thông)
(8) Lên Yên Tử sưu tầm thơ đức Nhân Tông (Hoàng Kim)
(9) Đạo Phật và Khoa học (Thượng Tọa Thích Huệ Thông giới thiệu sách)


NGỌC PHƯƠNG NAM
, THUNG DUNG, DẠY VÀ HỌC

2 comments:

  1. Thông tin của bạn cung cấp thật bổ ích.
    Sơn giả đá Nguyễn Cường http://songiadanguyencuong.com
    chuyên thi công
    Son gia da| sơn giả đá

    ReplyDelete
  2. Dịch vụ son gia da va son gia go của công ty sơn giả đá KIM THẢO được cấp chứng nhận về sản phẩm tốt trong nhiều năm.
    Xem chi tiết :son gia da son gia go Và liên hệ với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất :Số 25 Đường Bến Lội, Phường Bình Trị Đông A, Quận Bình Tân, TPHCM

    ReplyDelete