Sunday, July 20, 2014

Hai chuyện đọc lại và suy ngẫm


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Có hai chuyện đọc lại và suy ngẫm trên blog Quê Choa và Quà tặng xứ mưa.

BỌ LẬP NGHE THEO CỤ PHAN


100 triệu view đến từ hôm qua, ngày 25/6, sau 3 năm bọ Lập vào Sài Gòn. Khi vào Sài Gòn Quê Choa chỉ có 7 triệu view, bọ Lập tính đến 10 triệu view thì cho Quê choa đóng cửa vì quá mệt mỏi và mất thời gian. Mệt mỏi và mất thời gian cũng  không đáng sợ, đáng sợ nhất là phải sống trong sợ hãi. Nhưng rồi chẳng những bọ Lập không đóng cửa Quê Choa mà còn mở rộng đề tài và nội dung khiến số view tăng vọt, chỉ trong ba năm nó đã đạt con số 100 triệu view.


Bọ Lập không còn trẻ nữa để chơi trò câu view, bọ cũng thừa nổi tiếng ( trong nước) để không cần phải nổi tiếng hơn nữa, chỉ vì bọ nghe theo cụ Phan Châu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Đó là lời kêu gọi luôn đúng cho mọi thời, thời này càng đúng đắn và khẩn thiết.
100 trước của cụ Phan Chu Trinh và ngày hôm nay của chúng ta 10 nỗi nhục sau đây không có gì thay đổi:

 “1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…”

100 triệu wiew truy cập Quê Choa
189 nước có người truy cập Quê Choa
Muốn không còn 10 nỗi đắng cay và nhục nhã đó cần phải khai dân trí, chấn dân khí. Muốn khai dân trí, chấn dân khí trước tiên và trên hết phải cho dân biết SỰ THẬT. Chỉ có cách đó, không có cách nào khác.
 
Bọ Lập không có khả năng và trình độ để khai dân trí, chấn dân khí  nhưng lại có khả năng dùng blog Quê Choa  làm con thuyền chuyên chở SỰ THẬT đến với dân.Làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân vân vân và vân vân… vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm đít vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia,  không thèm biết đến dân tình khốn nạn thế nào, đất nước điêu đứng ra sao. Sống thế khác gì an phận làm con chó giữ nhà cho chủ, mong chờ chủ xón ra giải thưởng nọ danh hiệu kia để vui sướng vẫy đuôi liếm láp?
 
 Bọ Lập từ trước đến nay không theo ai không chống ai, và sẽ không theo ai không chống ai, vì đó không phải việc của nhà văn. Trước sau bọ Lập xin làm một người lái đò nhỏ chở con thuyền SỰ THẬT  đến với dân, chỉ vậy thôi, không có gì khác.
 
Nhân đây cũng xin báo: Bọ Lập xin rút tên mọi hội hè đoàn thể mà bọ đã có tên trước đến nay, từ Hội nhà văn đến Văn đoàn độc lập, từ Hội sân khấu đến Hội điện ảnh v.v. Bọ Lập không thích và chả phục Cao Hạnh Kiện nhưng rất mê câu nói này của ông: Sáng tạo văn học là một hoạt động đơn độc mà không một phong trào nào, một phe nhóm nào có thể giúp được, ngược lại nó rất dễ bị những thứ đó giết chết. Chỉ khi nhà văn là một cá nhân biệt lập, không thuộc về một phe nhóm, trào lưu chính trị nào thì hắn mới có được tự do hoàn toàn.Bọ Lập suy nghĩ rất nhiều về điều này và quyết định nghe theo ông, dù biết mình đã già, tài cán chẳng bao nhiêu, viết lách sẽ không còn được nhiều nữa.
 
Vài lời kính cáo.
Nguyễn Quang Lập


ÔNG DU BÁ CƠ… DẠ!

Truyện rất ngắn của Tào Lý Ba
Trước cửa nhà ông Du Bá Cơ có hai con chó lẹo nhau. Ông Du Bá Cơ cùng một ông hàng xóm và bọn trẻ con đứng xem. Rồi ông hàng xóm lẩm bẩm: “Hai con chó này tự do quá!”. Ông Du Bá Cơ buột miệng: “Dạ!”.
Trong đám trẻ con có một đứa nghe nhầm, tưởng ông nói, chạy về mách mẹ. Rồi mẹ nó sang thầm thì với bà hàng xóm, rồi bà hàng xóm thầm thì với đại hàng xóm. Tin ông Du Bá Cơ nói câu đó lan truyền nhanh như virút cúm.
Cuối cùng, qua rất nhiều quy trình theo đúng thủ tục của các cán bộ hành pháp có kinh nghiệm, ông Du Bá Cơ phải ra hầu tòa.
Tòa hỏi và ông Du Bá Cơ đáp.
-      Ông Du Bá Cơ! Có phải ông nói: “Hai con chó này tự do quá!” không?
-      Dạ!
-      Có phải ông nói câu đó là có ý ám chỉ ở nước Trung Quốc chúng ta hiện giờ con chó nó còn tự do hơn con người không?
-      Dạ!
-      Ông có công nhận ông đã vi phạm điều…
Ông thẩm phán cẩn thận giở cuốn Luật ra và nói cái điều mà ông định nói. Và ông Du Bá Cơ lại đáp:
-      Dạ!
Ông thẩm phán hỏi tiếp:
-      Chúng tôi giam ông lại nhằm mục đích để ông tự nhìn lại bản thân mà sửa mình, để không có điều kiện tuyên truyền chống phá những thứ tốt đẹp, và hoàn thiện mà xã hội đang được thụ hưởng, ông có tâm phục khẩu phục không?
-      Dạ!
-      Hôm nay có rất nhiều nhà báo nước ngoài đến dự, ông có công nhận phiên tòa này tiến hành hoàn toàn theo đúng với trình tự, và quy định của pháp luật hiện hành không?
-      Dạ!
Ông thẩm phán hô lớn:
-      Bãi tòa!
Vợ ông Du Bá Cơ ngồi dự phiên tòa òa khóc:
-      Trời ơi, nhà tôi cả đời chỉ biết nói một từ “Dạ!” mà cũng phải mắc vòng lao lý!


No comments:

Post a Comment