Tuesday, January 27, 2015

Phan Khôi, nắng được thì cứ nắng

Thích bài thơ của cụ Phan Khôi nắng được thì cứ nắng: "Nắng chiều đẹp có đẹp. Tiếc tài gần chạng vạng. Mặc dù gần chạng vạng. Nắng được thì cứ nắng".(thơ và ảnh chép từ blog Nguyễn Tuyết Hạnh) Thăm cô cháu xinh đẹp tài hoa Nguyễn Tuyết Hạnh của nhà triết học, bần thần về bài thơ hay. Chợt nhớ bài thơ của Hoàng Thừa Ngạn:"Một đêm gió lạnh lùng, Muôn dặm mây đỏ ối. Bời bời hoa tuyết bay, Nước non hình sắc đổi, Ngẩng mặt trông trên trời, Tưởng là rồng ngọc chọi, Vây mai tua tủa bay, Một lát khắp bốn cõi, Cưỡi lừa qua cầu con, Than vì mai gầy cỗi." (Hoàng Kim)

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, foodcrops.vnCassava in Vietnam, Cassava News, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, Câu chuyện ảnh, 5 phút thư giản, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con 

Wednesday, January 14, 2015

Những bài viết cần đọc lại


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Am Ngọa Vân, thuyền độc mộc. Hứng mật đời thành thơ, việc nghìn năm hữu lý, Trạng Trình; lên Trúc Lâm, đạt năm việc lớn hoàng thành, đất trời  xanh, Yên Tử … Quên tên cây, làm thuyền, tận cùng nỗi cô đơn, độc mộc! Khoét hết ruột, chỉ để một lần ngược thác, bất chấp đời, lênh đênh... (Hoàng Kim họa thơ Trịnh Tuyên); đọc lại Thư nhà văn Nguyễn Khải gửi nhà văn Trần Đĩnh.
 


Am Ngọa Vân
,

Hứng mật đời
thành thơ,
việc nghìn năm hữu lý,
Trạng Trình;

lên Trúc Lâm, 

đạt năm việc lớn
hoàng thành,
đất trời  xanh,
Yên Tử …

thơ Hoàng Kim


Thuyền độc mộc


Quên tên cây,
làm thuyền,
tận cùng nỗi cô đơn,
độc mộc!

Khoét hết ruột,
chỉ để một lần
ngược thác,
bất chấp đời,
lênh đênh...


(thơ Trịnh Tuyên)


Thư nhà văn Nguyễn Khải gửi nhà văn Trần Đĩnh.




Nguyễn Khải/ FB Trương Huy San



Huy Đức
: Đọc thư gửi bạn Trần Đĩnh ngày 18/7/1999 mới hiểu vì sao Nguyễn Khải đã viết Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất


Ô. T. Đĩnh thân thiết!


Tôi nhớ ông lắm đấy ô. T. Đĩnh ạ, nói rất thật lòng, vô trong này tôi cũng ít bạn bè và cũng không muốn đánh bạn với người mới, làm xong công việc là xong. Ở trong này, tôi cứ nằm lì ở nhà, ở cái xó Khánh Hội mà ông đã tới ấy, ngay đến hàng xóm cũng không biết tôi đã ở nhà hay ra Hà Nội. 




Ngồi viết chút chút lại nằm đọc, đọc 1 chút là ngủ, ngủ một chút lại bừng dậy, đọc tiếp. Sống như thế là rất buồn, nhưng tôi đã sống một mình 20 năm nay, nên cũng đã quen, và không cảm thấy buồn lắm. Ai rủ đi đâu cũng ngại, trừ ra Hà Nội. Hà Nội vẫn là cái nhà của tôi, lắm lúc nhớ đến phát cuồng. Vì Hà Nội có đủ mọi thứ để nuôi dưỡng cho một tuổi già, nhất là có bạn, một ít bạn, trong đó có ông. Nhận được thư ông, lại được ông khen, tôi "phấn khởi" lắm, thì ra tôi vẫn thích được khen, nhất là được bạn khen, lại là bạn tâm đầu ý hợp khen thì nhất.



Tôi dạo này cũng yếu nhiều, già hẳn, đúng là một ông già 70 còn tương đối khỏe. Ngồi xuống muốn đứng lên lại phải chống tay. Bữa nọ đi bộ buổi sáng vấp nhẹ 1 cái đã ngã dập mặt xuống đường, gẫy một cái răng cửa, lại phải đi làm răng, đầu gối chỉ sưng chứ không bị rạn nên dăm hôm lại đi lại như thường. Nghĩ mà buồn, vì biết rằng cũng sắp đến ngày cáo biệt bạn bè rồi. Theo tử vi thì trong mùa xuân năm Ngọ, sang 73 tuổi là chết, là tận số, không có oan uổng gì. Tính ra, chỉ còn sống thêm 2 năm Thìn, Tỵ nữa thôi . Sống thế cũng là thọ lắm, con đầu hơn tuổi ông Nam Cao, con út xấp xỉ tuổi Vũ Trọng Phụng, nhìn lại những trang đã viết chả biết có còn lại được mươi trang không?

Người làm sao văn làm vậy, tôi quen sống trong nhân nhượng, trong dàn hòa, bằng lòng với chút hạnh phúc bé nhỏ, bằng lòng với cái hữu hạn của một kiếp người nên văn cũng thế, thiếu triệt để, thiếu quyết liệt, không dám đi tới cái tận cùng. Bởi thế nên không thể "lớn" được, cái mà Lê Đạt bảo là "hình như còn thiếu một cái gì đó", một đời đã sống như thế chỉ còn vài năm cuối làm sao sống khác được. Sống không khác thơ văn làm sao mà khác! Chả biết từ nay đến cuối năm HNV có gọi ra họp hành gì không, để mình lại có dịp gặp nhau. Tôi rất thèm được nói chuyện với ông lắm. Gặp nhau để nói những chuyện chả đâu vào đâu mới thật khoái. T. Đĩnh, L Đạt, N. Khải được ngồi đấu hót với nhau một đêm thì thật tuyệt!

Nhớ ông lắm ông ơi! Nhớ Hà Nội Lắm!

Hẹn cuối năm được gặp nhau.

Bạn già


Nguyễn Khải



Nguồn: Blog Quê Choa


Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, foodcrops.vnCassava in Vietnam, Cassava News, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Câu chuyện ảnh, 5 phút thư giản, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

 

Thursday, January 8, 2015

Con đường đưa Việt Nam đến văn minh

ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Con đường đưa Việt Nam tới văn minh. Giáo sư Cao Huy Thuần trao đổi trên VietNamNet: "... một dân tộc văn minh là một dân tộc có văn hóa cao, nghĩa là năng động, nghĩa là không trì trệ, trên mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, đầu óc cá nhân cũng như tổ chức xã hội, quyền lực, tiến bộ cùng với xu hướng của thế giới, nhưng không quên rằng mỗi người đều là con cháu thừa tự." "... một tập thể không thể văn minh nếu con người trong đó không văn minh. Giáo dục, chính là để đào tạo nên những con người văn minh. Và thế nào là con người văn minh? Là biết yêu chân, thiện, mỹ. Yêu sự thật, yêu cái tốt, cái đẹp." "... con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác dân chủ. Bắt đầu bằng thực tâm muốn thực hiện dân chủ. Rồi có thể không vội. Dân chủ hóa lần hồi. Nhưng làm đừng khác nói. Và người dân cứ lấy sáng kiến mà làm. Bước tới chứ đừng bước lui..." (Xuân mới, ảnh Tuấn Kiệt)

Đọc thêm: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/214677/con-duong-dua-viet-nam-den-van-minh.html





CON ĐƯỜNG ĐƯA VIỆT NAM ĐẾN VĂN MINH 

Con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác. Chỉ có bước tới chứ đừng bước lui.

LTS:
Góp phần bàn luận tiếp câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đặt ra dịp đầu năm mới “Con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc”, Tuần Việt Nam xin đăng bài viết của GS Cao Huy Thuần để bạn đọc cùng tham khảo.

Lẫn lộn giữa “văn minh” và “văn hóa”

"Thế nào là một dân tộc văn minh?", muốn trả lời câu hỏi ấy phải trả lời câu hỏi: "Thế nào là văn minh? Văn minh là gì?". Riêng định nghĩa này thôi, bao nhiêu là phức tạp. Có ai đồng ý với ai đâu? Mỗi tác giả lớn có một giải đáp riêng, lắm khi trái ngược từ căn bản.

Điểm căn bản đầu tiên là sự dùng lẫn lộn giữa "văn minh" và "văn hóa" - "civilisation" và "culture" - mà "văn hóa" lại cũng gây bất đồng trong định nghĩa.

Lịch sử của hai từ "văn minh" và "văn hóa" rất dài, rất xưa ở Âu châu. Lúc đầu, "văn minh" bao hàm hai lĩnh vực: vật chất và tinh thần. Rồi từ "văn hóa" xuất hiện, và nhiều tác giả có khuynh hướng phân biệt, trao phần tinh thần cho văn hóa, phần vật chất cho văn minh.
Văn minh là gì? Có người nói: "đó là đường sá, hải cảng, bờ sông". Nhưng người khác bác bỏ: "văn minh là phải có một tối thiểu khoa học, nghệ thuật, trật tự, đạo đức..." Nghĩa là tất cả những gì mà con người thu thập được như vốn liếng đã tạo ra. Vậy điểm đầu tiên phải ghi là biên giới giữa tinh thần và vật chất không rõ ràng: văn minh là tinh thần hay vật chất, hay lẫn lộn cả hai?
Điểm thứ hai là việc sử dụng từ "văn minh" cho cá nhân hay tập thể. Ta có thể nói: "một người văn minh"? Hay chỉ nên dùng từ ấy cho một xã hội, một nước, một vùng?
Thông thường, ta vẫn nói: "Đừng nhổ nước miếng bừa bãi, hãy cư xử như một người văn minh". Ấy là nói về cá nhân. Và ta lại nói: "Văn minh Trung Hoa khác với văn minh Nhật Bản", "văn minh Tây phương không giống văn minh Đông phương".
Ấy là nói về tập thể. Bây giờ, từ "văn minh" hay dùng cho tập thể. Chẳng hạn quyển sách danh tiếng một thời và hứng chịu chỉ trích cũng lắm của Samuel Huntington mang nhan đề là "Va chạm giữa các nền văn minh". Câu hỏi đặt ra - một "dân tộc văn minh" - nằm trong nghĩa tập thể này.
Thế nhưng nó lại gợi ra một vấn đề lý thuyết sôi nổi, và đây là điểm phải ghi thứ ba: Nói rằng một "dân tộc văn minh", thế chẳng phải hàm ý rằng có những dân tộc không văn minh sao? Vậy thì thế nào là một dân tộc không văn minh? Lấy tiêu chuẩn gì chính xác để phân biệt? Nói như thế cũng hàm ý rằng có nấc thang giá trị để phê phán: dân tộc này văn minh cao hơn dân tộc kia. Thế nào là cao, thế nào là thấp, dựa trên tiêu chuẩn gì?

Tôi đọc ba tác giả được xem là bậc thầy, không phải chỉ ở Pháp mà cả trên quốc tế. Trước hết là nhà sử học Jacques Le Goff. Về thắc mắc thứ nhất, tinh thần hay vật chất, ông trả lời: "Cái đẹp, công lý, trật tự...". Nghĩa là những yếu tố tinh thần. Xin trích nguyên văn: "Văn minh dựa trên sự tìm tòi và thể hiện của một giá trị cao hơn, trái với văn hóa được xem như là toàn thể những tập tục và những thái độ. Văn hóa nói chuyện dưới đất, văn minh siêu việt trên cao. Cái đẹp, công lý, trật tự....Các nền văn minh được xây dựng trên những yếu tố đó. Ví dụ việc sử dụng đất: văn hóa sản xuất ra lợi ích, gạo, trong khi văn minh sản sinh ra cái đẹp bằng cách tạo vườn".
Ông nói: vườn Nhật khác với vườn Tàu, và cái khác ấy chịu ảnh hưởng của tôn giáo và tâm linh. Vườn Anh cũng khác với vườn Pháp. Một bên tôn trọng vẽ thiên nhiên, dễ gợi lên tình cảm lãng mạn, mơ mộng; một bên bài trí có hệ thống, ngay hàng thẳng lối, biểu lộ tinh thần duy lý của con cháu Descartes. "Văn hóa đặt ưu tiên cho ý nghĩ về thực dụng, về an ninh, về giàu có, khác với văn minh đặt giá trị trên tâm linh và thẩm mỹ" (Le Monde 23-1-2014).
Đặt văn minh trên tiêu chuẩn tinh thần như vậy, không thể nói văn minh nào cao hơn văn minh nào. Ai dám nói vườn Anh đẹp hơn vườn Pháp, vườn Tàu cao cấp hơn vườn Nhật? Thế nhưng phần đông định nghĩa ngày nay không đặt văn minh ở trên cao, văn hóa ở dưới thấp như vậy. Văn minh, theo phần đông, liên quan đến những yếu tố vật chất hơn là tinh thần, tuy rằng không phải gạt bỏ hoàn toàn yếu tố tinh thần. Chỉ định nghĩa như vậy mới bảo vệ được quan điểm cho rằng có văn minh cao, văn minh thấp.
Nhưng đó là nói về Âu châu từ thế kỷ 17, 18. Nếu đặt vấn đề tiến bộ trên bình diện lịch sử cả nhân loại thì tiến bộ là gì? Tôi tìm đến ông thầy thứ hai, Claude Lévi-Strauss. Nhà nhân chủng học này phân biệt hai loại xã hội: "xã hội lạnh" và "xã hội nóng". "Xã hội lạnh" hoạt động như đồng hồ, "xã hội nóng" hoạt động như động cơ hơi nước.
Các "xã hội lạnh" (xã hội tiền sử chẳng hạn) có văn hóa nhưng không có lịch sử vì chỉ lặp đi lặp lại y hệt, từ thế hệ này qua thế hệ khác, tránh mọi thay đổi về kỹ thuật, cách sống, thân tộc hay cách tổ chức quyền lực. Các "xã hội lạnh" có khuynh hướng sẽ biến mất, bị nuốt, bị phá hủy bởi các "xã hội nóng". Ngày nay, ai cũng biết "xã hội nóng" là các xã hội nào. Ai cũng biết xã hội nào năng động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, mỹ thuật, giáo dục, tổ chức xã hội... Và ai chắc cũng lo, không biết xã hội ta có đang nguội dần không? Hôm nay cái đồng hồ đều đặn gõ 12 tiếng, ngày mai cũng đều đặn leng keng 12 tiếng y hệt, và ngày kỉa, ngày kia, ngày kìa cũng vẫn 12 tiếng ấy, biết rồi khổ lắm nói mãi.
Làm tổng hợp trên các điều vừa nói - vật chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tiến bộ và trì trệ - tôi đi đến kết luận của một ông thầy thứ ba, nhà xã hội học Edgar Morin: "Văn hóa là toàn thể những niềm tin, những giá trị đặc thù của một tập thể riêng biệt. Văn minh là những gì có thể thuyên chuyển từ tập thể này qua tập thể khác: kỹ thuật, kiến thức, khoa học…Chẳng hạn văn minh Tây phương mà ngày nay đã lan ra toàn cầu hóa, là một văn minh được định nghĩa là toàn thể những phát triển về khoa học, về kỹ thuật, về kinh tế".
Nhưng ông nói thêm một điều quan trọng: "Và chính văn minh Tây phương ấy ngày nay đang mang đến nhiều hậu quả tiêu cực hơn là tích cực. Đây là điều cần phải cải tổ, nghĩa là cần phải có một chính sách văn minh".
Đoạn sau trùng ý với Lévi-Strauss. Nhà nhân chủng học này mượn từ "entropie" trong nhiệt động học để nói rằng văn minh có khuynh hướng tiến đến tình trạng xáo trộn của hệ thống: gia tốc dân số, tranh chấp xã hội, cạnh tranh kinh tế, đụng độ vũ trang, chạy đua khí giới, chiến tranh, vắt kiệt tài nguyên, phá hủy thiên nhiên, tiêu thụ phung phí... Làm sao chữa lại những hậu quả "tiêu cực" ấy? Lévi-Struss cậy đến văn hóa, và văn hóa theo ông là tâm linh, đạo đức, triết lý, nghệ thuật và chính trị.

Chính trị theo nghĩa nguyên thủy của Hy Lạp ngày xưa: là cách tổ chức nhà nước thế nào để đạt được phúc lợi chung. Ta thấy đó, ta trở lại với những gì ta nói từ đầu: sự lẫn lộn giữa văn hóa và văn minh.
Văn minh và dân chủ

Vậy thì tôi cũng đành lẫn lộn thôi. Suy nghĩ như một người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, tôi trả lời rằng một dân tộc văn minh là một dân tộc có văn hóa cao, nghĩa là năng động, nghĩa là không trì trệ, trên mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, đầu óc cá nhân cũng như tổ chức xã hội, quyền lực, tiến bộ cùng với xu hướng của thế giới, nhưng không quên rằng mỗi người đều là con cháu thừa tự.
Tôi xin cắt nghĩa mấy chữ sau cùng. Mỗi sáng tạo, hủy diệt, hay mỗi biến chuyển của một nền văn minh đòi hỏi phải có thời gian.
Vì vậy, trong lịch sử các văn minh, cũng như trong nếp suy nghĩ về văn minh, ý nghĩa thừa tự là căn bản. Một nền văn minh được xây dựng lần hồi, làn sóng này tiếp theo làn sóng khác, về giá trị, về tập tục, về niềm tin. Phải có thời gian để biến chuyển và để củng cố. Để thâu nhận từ bên ngoài và để bảo tồn tận bên trong. Hiện nay, cách mạng tin học và tình trạng toàn cầu hóa có khuynh hướng đồng hóa hết thảy mọi nền văn minh. Nếu chạy theo "văn minh kỹ nghệ", tiến bộ vật chất một cách mù quáng, không chừng ta thắp một cây hương cho tổ tiên nào không phải là của ta.
Riêng về mối tương quan giữa tập thể và cá nhân, phải nhấn mạnh rằng một tập thể không thể văn minh nếu con người trong đó không văn minh. Giáo dục, chính là để đào tạo nên những con người văn minh. Và thế nào là con người văn minh? Là biết yêu chân, thiện, mỹ. Yêu sự thật, yêu cái tốt, cái đẹp. Chỉ nói sự thật mà thôi, thế nào là yêu sự thật? Là ghét giả dối. Giáo dục là không dạy con trẻ đưa nói láo lên thành hệ thống cai trị.
Nhưng muốn có một nền giáo dục như vậy, tất nhiên phải đặt chính trị lên hàng đầu. Bởi vì chính trị chỉ huy giáo dục. Xưa nay nhà trường chỉ có hai loại: nhà trường dạy phán đoán và nhà trường không dạy phán đoán. Loại nhà trường sau là để minh họa.
Cho nên, cuối cùng, con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác dân chủ. Bắt đầu bằng thực tâm muốn thực hiện dân chủ. Rồi có thể không vội. Dân chủ hóa lần hồi. Nhưng làm đừng khác nói. Và người dân cứ lấy sáng kiến mà làm. Bước tới chứ đừng bước lui.
Và thấy rằng xu hướng dân chủ là không tránh được, không trước thì sau thôi, bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát mọi chướng ngại.
GS. Cao Huy Thuần (từ Pháp)

Video yêu thích 
Meditation Deep Relaxation

http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, foodcrops.vnCassava in Vietnam, Cassava News, VietnamAfricaCassavaRice, Cassava News, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Câu chuyện ảnh, 5 phút thư giản, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con

Lắng nghe cuộc sống: đừng vỗ tay bằng một tay

Đọc lại và suy ngẫm. Dạy và học. Đừng phản biện theo cách vỗ tay bằng một bàn tay. Tô Văn Trường. "Thật là sáng suốt cho người lãnh đạo vào lúc khó khăn, nguy nan biết đặt câu hỏi ta nên làm gì? và lắng nghe các lời tham mưu có tâm, có tầm của các bậc trí giả. Ngày xưa, các bậc vua chúa cũng nhờ biết nghe lời can gián, dùng người tài để được đời sau gọi là minh quân".

"Chất lượng phản biện, trước hết phụ thuộc vào quan điểm, ý thức và khả năng chuyên môn của người phản biện. Nền tảng tự nhiên của sự cần thiết cho hoạt động phản biện đó là đặc tính vô minh, không thể nắm bắt và nhìn thấu hết cả hiện tượng lẫn bản chất nhiều sự việc trong cuộc sống. Vì lẽ đó, người ra quyết định khôn ngoan bao giờ cũng cần nghe ý kiến phản biện nhiều chiều và để có phản biện chất lượng, trung thực, khách quan thì phải có môi trường thông thoáng, dân chủ cho tư duy độc lập, sáng tạo và truyền thông trách nhiệm".

" Nên đặt trọng tâm vào các giải pháp của công tác phản biện xã hội, hoàn toàn có thể thực hiện triển khai ngay bằng thu thập thông tin rộng rãi từ các thành phần xã hội, sau đó tập hợp phân loại các nhóm ý kiến chủ yếu, bức xúc để đưa ra giải pháp thiết thực bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh các chủ trương chính sách hay quá trình thực hiện. Người chuyên gia tư vấn cho lời khuyên và lời can. Khuyên làm việc tốt cho dân, cho nước. Can làm việc hại cho dân, cho nước còn việc quyết định phụ thuộc vào thẩm quyền, tư chất của lãnh đạo và quy định của pháp luật...
"

Cám ơn thầy Nguyễn Lân Dũng đã chuyển tải thông tin bài viết
Đừng phản biện theo cách vỗ tay bằng một bàn tay của tiến sĩ Tô Văn Trường. Lắng nghe cuộc sống qua những  trích đoạn đáng lưu ý nhất của bài viết để thấm thía những bài học lịch sử về "minh quân" và "vô minh".

(Hoàng Kim)

ĐỪNG PHẢN BIỆN THEO CÁCH VỖ TAY BẰNG MỘT BÀN TAY

Tô Văn Trường

Nguyễn Lân Dũng. Các bạn thân mến. Tôi nhận được bài viết này qua E-mail của TS.Tô Văn Trường, nguyên Trợ lý của bác Võ Văn Kiệt. Xin đăng lên như một tài liệu tham khảo đối với các bạn. Các bạn có thể nhận xét bằng ý kiến của riêng mình.
Sự kiện Quốc hội khóa trước, bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và mới đây là Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế quyết định cho dừng việc triển khai dự án du lịch ở núi Hải Vân và Đà Nẵng tạm dừng dự án hải đăng sông Hàn là những ví dụ điển hình đáng mừng khi những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước biết lắng nghe ý kiến phản biện của các vị lão thành cách mạng, tướng lĩnh, trí thức và nhân dân. Hay nói cách khác, ý kiến của người dân, những người đóng thuế đã có tác dụng để ngăn chặn, khắc phục kịp thời một số quyết định sai lầm của chính quyền địa phương và kể cả ở cấp quốc gia!

Phản biện xã hội và phản biện khoa học có đặc tính riêng nhưng về bản chất không khác nhau. Chất lượng phản biện, trước hết phụ thuộc vào quan điểm, ý thức và khả năng chuyên môn của người phản biện. Nền tảng tự nhiên của sự cần thiết cho hoạt động phản biện đó là đặc tính vô minh, không thể nắm bắt và nhìn thấu hết cả hiện tượng lẫn bản chất nhiều sự việc trong cuộc sống. Vì lẽ đó, người ra quyết định khôn ngoan bao giờ cũng cần nghe ý kiến phản biện nhiều chiều và để có phản biện chất lượng, trung thực, khách quan thì phải có môi trường thông thoáng, dân chủ cho tư duy độc lập, sáng tạo và truyền thông trách nhiệm.

Thực tiễn cuộc sống là bức tranh rất sinh động của phản biện xã hội. Các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, dân chủ dân sinh, công bằng xã hội, kỷ cương phép nước minh bạch của những người quản lý điều hành đất nước trong quá trình thực thi luôn cần có quá trình điều chỉnh và hoàn thiện thông qua tiếng nói chính trực của đông đảo quần chúng nhân dân.

Nhân dân chính là tác nhân sản sinh ra những luận điểm có tính chân lý. Mặt khác, chúng ta đều biết sức mạnh và tác động to lớn của các phương tiện truyền thông , báo chí đến với xã hội và người dân. Vì vậy, thông tin càng đầy đủ, chính xác, kịp thời khách quan và khoa học thì giá trị và hiệu quả của định hướng dư luận càng có giá trị lớn. Quan trọng hơn ở thời đại kỹ thuật số và tốc độ truyền tin nhanh như tốc độ ánh sáng hiện nay thì bưng bít thông tin hay có suy nghĩ là không cho biết thì người dân sẽ cũng không biết, càng nguy hiểm và phản tác dụng.

Đối với tình hình thực tế ở nước ta, muốn ổn định và phát triển bền vững nhà cầm quyền đừng bao giờ thực hiện phản biện bằng cách cho phép “vỗ tay bằng một bàn tay”. Thật là sáng suốt cho người lãnh đạo vào lúc khó khăn, nguy nan biết đặt câu hỏi ta nên làm gì? và lắng nghe các lời tham mưu có tâm, có tầm của các bậc trí giả. Ngày xưa, các bậc vua chúa cũng nhờ biết nghe lời can gián, dùng người tài để được đời sau gọi là minh quân.

Nên đặt trọng tâm vào các giải pháp của công tác phản biện xã hội, hoàn toàn có thể thực hiện triển khai ngay bằng thu thập thông tin rộng rãi từ các thành phần xã hội, sau đó tập hợp phân loại các nhóm ý kiến chủ yếu, bức xúc để đưa ra giải pháp thiết thực bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh các chủ trương chính sách hay quá trình thực hiện. Với trình độ công nghệ thông tin hiện đại, ý kiến phản biện ngày nay hoàn toàn có thể thu thập nhanh chóng từ mọi tầng lớp từ nhân dân đến các chuyên gia trong và ngoài biên chế hành chính ở mọi lĩnh vực, không tốn kém. Sau đó, chỉ cần thuê một số chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực cụ thể (có thể dễ dàng lập một thư viện chuyên gia trong các lĩnh vực) để tổng hợp phân tích thông tin sẽ chọn được những ý kiến, giải pháp đúng đắn, đồng thời loại bỏ được những ý kiến thiếu thiện chí, chỉ vì lợi ích cục bộ.

Người chuyên gia tư vấn không nhận lệnh, không báo cáo, không kiến nghị, không đệ trình. Người chuyên gia tư vấn cho lời khuyên và lời can. Khuyên làm việc tốt cho dân, cho nước. Can làm việc hại cho dân, cho nước còn việc quyết định phụ thuộc vào thẩm quyền, tư chất của lãnh đạo và quy định của pháp luật.

Ông Võ Văn Kiệt đã làm việc đó từ lâu, nhưng ông mới sử dụng một nhóm chuyên gia nhỏ nhưng qua thời gian kiểm nghiệm cho thấy vẫn có giá trị cao được ghi nhận. Những giây phút cảm động nhất, kính trọng nhất, khâm phục nhất là khi được nghe ông Kiệt tâm sự rất chân thành về một vài quyết định của mình “chưa được trúng”! Trong bối cảnh ra quyết định đó, ông là nhà chính trị trong hệ thống tổ chức, khó làm khác đi được nhưng thật sáng suốt và dũng cảm là qua kiểm nghiệm thực tế, biết lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều, ông tự nhìn ra những khiếm khuyết, biết sửa và biết rút ra bài học cho chính mình và các thế hệ đi sau.

Chúng ta đều biết trên thế giới này không có nhà nước nào tránh được sai lầm khi đưa ra các chủ trương, chính sách. Nếu lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến của người dân, phân tích, sàng lọc các ý kiến tư vấn của các tổ chức độc lập thì chắc chắn mức độ sai lầm và hậu quả của nó sẽ giảm đi đáng kể!

Một ví dụ điển hình của lối "vỗ tay bằng một bàn tay" là việc lấy ý kiến đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Khi có kiến nghị sửa một số điều cơ bản về thể chế chính trị thì lập tức người có vị trí lãnh đạo cao nhất liền phê phán nặng nề là "thoái hóa, biến chất" nhưng không cho công bố những ý kiến phản biện để có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của nhiều người.

Nhiều thư của trí thức, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà hoạt động tôn giáo...gửi các nhà lãnh đạo dưới hình thức ý kiến đóng góp của tập thể một số người hoặc của từng cá nhân đều không nhận được trả lời, thậm chí còn bị nhiều cách đối phó bằng quyền lực, kể cả biện pháp thô bạo, phi đạo lý.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhân dân, trước hết là các kẻ sĩ, đang có nhiều suy nghĩ, trăn trở về vận mệnh đất nước, sẵn sàng đóng góp ý kiến với lãnh đạo, phản biện về đường lối , chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại. Chỉ cần lãnh đạo thật tâm lắng nghe, tôn trọng các ý kiến đóng góp; nếu không đồng tình với ý kiến nào mà mình cho là không đúng hoặc có dụng ý không lành mạnh thì đưa ra tranh luận công khai, phản bác một cách minh bạch, bỏ lối quy kết tùy tiện, một chiều và nhất là không dùng bạo lực vô văn hóa để đối phó. Như vậy, chắc chắn tinh thần phản biện xã hội sẽ được phát huy, lòng tin của dân đối với chế độ sẽ được khôi phục, dân và lãnh đạo như hai bàn tay cùng vỗ, cùng kéo để đưa đất nước vượt qua thách thức đang uy hiếp độc lập, chủ quyền và kìm hãm sự phát triển.

Cuộc sống là quá trình vận động và luôn đòi hỏi có sự đóng góp của phản biện xã hội. Đất nước ta đang bước vào đầu xuân mới, nhiều thời cơ và thách thức, nguồn trí tuệ đang dâng lên, dòng nhân ái đang chảy mạnh, nhiều tấm gương biết làm, biết viết, biết nói, để thúc giục nhân tâm, kiên nhẫn từng giờ, từng phút “vắt óc” nghĩ suy tạo ra năng lượng tích cực trong nhân gian. Đó cũng là nguồn lực sâu xa đang âm vang, cộng hưởng, sẽ tác động tới những nơi cần lắng nghe, nếu được tiếp thu sẽ là hồng phúc cho đất nước. 


Video yêu thích 
Meditation Deep Relaxation Music with 4.9Hz Binaural Brainwaves, Yoga Music, Spa Music
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, foodcrops.vnCassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Cassava News, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Câu chuyện ảnh, 5 phút thư giản, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con