Monday, March 17, 2014

Dưới chân Thầy: trang văn ám ảnh


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM.  Cô Trần Thị Lệ ở Trường Đại học Nông Lâm Huế chuyển cho tôi email của anh Võ Tá Hân bài viết "Dưới chân Thầy" gửi đến: bio-vn@yahoogroups.com. Bức thư đã được đăng trên http://beta.vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/duoi-chan-thay-2964122.html . Bài viết rất hay và có ý nghĩa. Tôi chép về để đọc lại và suy ngẫm. Anh binh nguyen<binh_nguyen98@yahoo.com viết:
Trong bài này tôi nhận thấy anh Hân có một nhận xét nổi bật về cách tìm người hợp tác của Cụ Kwek : "Cụ Kwek chỉ quan tâm đến những người làm được việc và có đáng tin cậy hay không, chứ tuyệt nhiên không hề chú trọng đến bằng cấp. Dưới trướng của cụ không hề thấy bóng một vị tiến sĩ nào cả vì cụ cho rằng phần đông họ là những lý thuyết gia ". (Điều này) gần giống với nhận xét của một đồng nghiệp nước ngoài (đã nhận xét rằng): cộng đồng người Việt tuy có nhiều Tiến sĩ nhưng tỷ lệ người thành công (làm chủ) trong công nghiệp không cao; thiếu tinh thần mạo hiểm,  hầu hết là làm công ăn lương phải dựa vào một tổ chức có sẵn như nghiên cứu / dạy học trong Ðại học hoặc Kỹ nghệ, nhưng  tính tự ái ("narcissistic personality" - nhân cách ái kỹ -) thì rất cao ...... Mới nghe tôi cũng tự ái (dân tộc) lắm! nhưng nhờ cố gắng tập thói quen lắng nghe nên giữ được sự im lặng để lắng nghe. Theo tôi, nếu suy đi nghĩ lại cho cùng, người Việt Nam chúng ta thiếu một cái gì đó nên bằng hình thức này hay hình thức khác chưa đủ khả năng làm chủ một tổ chức có quy mô lớn mà vẫn phải đi làm thuê ! Có người bạn đã có nhận xét rằng văn hóa và con người Việt Nam chúng ta là nền văn hóa "dây leo"; nếu bám được vào một cái khung nào đó thì khung cao bao nhiêu, ta cũng có thể leo cao bấy nhiêu nhưng (chữ nhưng tai hại) khi không có cái khung nào thì chúng ta chỉ bò lan trên mặt đất chồng chất, đè lên nhau mà không tự đứng cao lên được ! ". Đúng là phải dẹp bỏ tính tự ái, thực sự gắn lý thuyết với thực tiễn mới thành công lớn được.

Dưới chân Thầy

Năm 1994, ông Kwek Hong Png, người sáng lập tập đoàn Hong Leong ở Singapore tạ thế. Ông là một nhân vật xuất chúng và những công trình của Hong Leong đã đóng góp rất nhiều cho sự phồn thịnh của Singapore nhưng ngày nay dường như rất ít người, ngay cả ở Singapore còn biết đến tên ông.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phúc Kiến, Trung Quốc, ông bỏ xứ sang Singapore năm 1928 khi mới 17 tuổi với 8 đô trong túi và một chiếc chiếu trên vai. Thế nhưng vào những năm cuối đời thì ông Kwek Hong Png đã được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất Singapore và cũng là một trong những người giàu nhất thế giới.

Khi mới đến Singapore, ông giúp việc trong một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với số lương tháng là 5 đô. Mười ba năm sau, dành dụm được chút vốn, ông mở một công ty riêng và mời 3 người em trai từ Phúc Kiến sang Singapore để hợp tác. Từ buôn bán sắt thép xi măng, ông bước sang lĩnh vực sản xuất, bất động sản, tài chính và khách sạn… Người em trai của ông là Kwek Hong Lye được giao trách nhiệm phát triển “mô hình Hong Leong” ở Malaysia để rồi sau này nhánh Hong Leong Malaysia lại trở thành một tập đoàn có tầm cỡ ngang ngửa với Hong Leong Singapore.

Cuối thập niên 1980, ông Kwek bắt đầu nhường dần việc điều hành tập đoàn cho hai người con trai là Kwek Leng Beng và Kwek Leng Joo, và cả hai đã tiếp tục đưa Hong Leong lên một quỹ đạo cao hơn, đặc biệt là việc phát triển mạnh nhánh khách sạn và bành trướng hoạt động ra thị trường quốc tế. Đến tháng 2/2014 tổng tài sản của tập đoàn Hong Leong Singapore đã vượt quá 30 tỷ đô Sing, với hơn 40 nghìn nhân viên hoạt động tại 19 quốc gia trên thế giới.

Là một ngân hàng gia quốc tế, tôi được Bank of Montreal chuyển đi làm việc tại nhiều nơi trước khi đến Singapore năm 1981. Sau khi rời ngân hàng năm 1986, tôi được mời làm Tổng giám đốc của Công ty bất động sản City Developments Limited (CDL), con chim đầu đàn của Hong Leong. Hai năm sau thì tôi được chuyển sang giữ chức vụ Tổng giám đốc Singapore Finance thuộc cánh tài chính của tập đoàn và đồng thời trở thành một thành viên HĐQT của CDL, bắt đầu một chuỗi những chức vụ khác trong các lãnh vực kỹ nghệ, thương mại, đầu tư, khách sạn của Hong Leong suốt 25 năm.

Làm việc với cụ Kwek trong 8 năm trước khi người cha đẻ của Hong Leong qua đời, tôi luôn muốn biết xem làm sao mà một người không hề được đào tạo từ một trường lớp kinh doanh nào và cũng chưa xong trung học, lại có thể xây dựng được một sự nghiệp khổng lồ như thế? Ngày rời đại học với hai mảnh bằng về quản lý, có lẽ cũng như bao nhiêu bạn trẻ ngày nay, tôi đã có cái ảo tưởng là với khả năng “chẻ sợi tóc ra làm tám”, tất cả mọi bài toán kinh doanh cũng như bao chuyện khác đều có thể phân tích và giải quyết được.

Dưới chân Thầy, tôi mới thấy rằng, quản lý không phải chỉ là một khoa học và còn là một nghệ thuật. Cách quản lý của cụ Kwek, hay nói chung là của phương Đông, đôi lúc thấy thật đơn giản chứ không phức tạp như phương Tây, nhưng đã mang lại những kết quả to lớn không ngờ. Những cách quản lý ấy có còn áp dụng được trong thời buổi này hay không, tôi mong sẽ có dịp mang ra bàn bạc trong những bài viết sắp tới. Tuy nhiên, có một điều nổi bật nhất là cách dùng người. Cụ Kwek chỉ quan tâm đến những người làm được việc và có đáng tin cậy hay không, chứ tuyệt nhiên không hề chú trọng đến bằng cấp. Dưới trướng của cụ không hề thấy bóng một vị tiến sĩ nào cả vì cụ cho rằng phần đông họ là những lý thuyết gia.

Giữa thập niên 1980, khi Singapore đang trải qua một cơn bão kinh tế khốc liệt thì thị trường tràn ngập các bất động sản được tung ra bán để trả nợ ngân hàng. Trong số những dự án mà tôi đã duyệt qua thì có khách sạn Orchard với 350 phòng, tọa lạc tại một vị trí rất tốt ở trung tâm thành phố. Mặc dầu giá chào bán rất rẻ nhưng trước viễn cảnh kinh tế u tối thì tôi đề nghị không nên đầu tư. Thế nhưng mặc những lời can ngăn từ mọi phía, cụ Kwek Hong Png quyết định đổ tiền ra mua lại khách sạn này và không những thế lại chi thêm 12 triệu đô để mua 3 biệt thự ở bên cạnh. Mọi cơn bão rồi cũng đi qua, khi tình hình kinh tế đã ổn định vài năm sau đó thì cụ bèn cho phá ba ngôi biệt thự cũ ấy để xây thêm 350 phòng, biến Orchard Hotel thành một khách sạn 700 phòng. Ngày nay khách sạn này là ngôi sao sáng chói nhất trong toàn bộ 110 khách sạn thuộc nhánh Millenium & Copthorne Hotels của CDL.

Một kỷ niệm nữa với cụ Kwek là lúc CDL xây tòa nhà Republic Plaza. Tôi còn nhớ ngày bước vào văn phòng cụ Kwek, cầm trên tay bản phân tích dự án xây dựng tòa nhà 64 tầng cao nhất Singapore này, tôi cất lời: “Thưa cụ, tôi đã phân tích kỹ phương cách tài trợ và bây giờ chỉ còn khoảng… 20 câu hỏi muốn xin ý kiến cụ để triển khai dự án này”. Cụ Kwek liếc mắt nhìn bảng in điện toán dầy đặc các con số rồi lẳng lặng đưa ba ngón tay ra trước mặt tôi và chậm rãi nói - bằng một giọng tiếng Anh đặc sệt Phúc Kiến: “Mr. Hân à! Tôi muốn anh nhớ cho tôi 3 điều: Thứ nhất là phải giữ giá xây dựng không được quá xxx đô mỗi thước vuông. Thứ hai là anh không trả quá 20 triệu đô để nới rộng mảnh đất ra con đường bên cạnh, và thứ ba…”.

Thế rồi ông xua tay ra hiệu cuộc họp đã chấm dứt!

Chỉ trừ khi có người phụ tá bên cạnh để thông dịch, các cuộc họp với cụ thường không kéo dài vì tôi không nói được tiếng Hoa còn cụ thì nói tiếng Anh không sõi lắm. Bước ra khỏi phòng họp, tôi cảm thấy bực mình. Nhớ lại ngày còn là chuyên viên cao cấp phân tích những dự án tài chính quốc tế khổng lồ của Bank of Montreal ở Toronto như xây đường ống dẫn dầu xuyên Canada, khoan mỏ dầu khí dưới vùng biển Kavalas, xây nhà máy hạt nhân, mua nhà máy lọc dầu… tôi phải viết những bài phân tích dầy cộm, bàn bạc kỹ lưỡng và tranh cãi dai dẳng, thế nhưng bây giờ với dự án mấy trăm triệu đô này mà tất cả chỉ cần… 3 ngón tay thôi sao?

Mãi sau này khi đã “dầy dặn chiến trường” ở châu Á hơn thì tôi mới thấu hiểu được cách suy nghĩ của cụ. Được đào tạo từ những trường lớp quản lý kinh doanh và làm việc ở phương Tây, tôi chỉ biết nhìn các vấn đề một cách rất máy móc. Các chương trình điện toán siêu nhanh ngày nay lại rất dễ khiến con người cảm thấy “tự tin” hơn để đi đến… những quyết định nông cạn! Chỉ là một người chưa học xong trung học nhưng mấy chục năm “xông pha thương trường” dày dặn kinh nghiệm đã giúp cụ Kwek có một cái nhìn sâu rộng và một trực giác kinh doanh vô cùng bén nhạy.

Cụ không hề bận tâm đến những điểm không quan trọng mà nhìn thấy cái “lý” của sự việc, không khác gì một cao thủ võ lâm biết nhắm vào các yếu huyệt của đối phương để tấn công. Không những chỉ cần chú tâm đến ba “yếu huyệt” của một dự án, cụ Kwek còn nhìn rất xa và biết lúc nào cần “ra tay” như trong dự án khách sạn Orchard.

Cửa sổ cơ hội thường chỉ hé mở trong một khoảnh khắc rất ngắn mà nếu không biết nắm bắt thì cơ hội sẽ vụt bay không bao giờ trở lại! Thế nào cũng sẽ có lắm người phê bình rằng hai điều trên đây thì chẳng có gì mới lạ, vì vấn đề muôn thuở vẫn là tiền lấy từ đâu để đầu tư? Thôi thì chúng ta sẽ bàn đến chuyện này trong một dịp khác vậy.

Ngày cụ mất, báo chí Singapore tràn ngập các mẫu cáo phó. Đám tang cụ Kwek lớn như một quốc táng nhưng nơi an nghỉ cuối cùng của cụ chỉ là một nghĩa trang rất khiêm nhường. Ngôi mộ không lăng tẩm cầu kỳ mà chỉ bình thường như mộ của mọi người dân Sing khác.

Đúng hai mươi năm đã trôi qua, hôm nay tôi xin thắp một nén hương để tưởng nhớ đến một Người Thầy.


Võ Tá Hân

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con

2 comments:

  1. --------------Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết rất hay---------------
    Công ty chuyên cung cấp đồng hồ nam EYKKI chính hãng tại HCM
    Web: http://donghonameykicodien.blogspot.com/
    Click vào Keywords: Đồng hồ nam EYKI cổ điển
    Click vào Keywords: Đồng hồ nam EYKI cổ điển

    ReplyDelete
  2. bài viết rất bổ ích, thank đã chia sẽ!
    Tâm Linh – Tư vấn viên
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Bảng giá chụp ảnh món ăn
    • Hoặc Bang gia chup anh mon an

    ReplyDelete