Monday, December 23, 2013

Câu chuyện "Chiếc giường và tấm bảng"

ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM . Đọc bài  Chiếc giường và tấm bảng của Cánh Cò đăng trên Quê Choa  http://bolapquechoa.blogspot.com  bất giác phải dụi mắt đọc lại.


Chiếc giường và tấm bảng

Cánh Cò
Theo Canhco's blog
“đại gia 75 tuổi, ông Lê Ân sắp đưa về Việt Nam chiếc giường được cho là đắt nhất thế giới. Chiếc giường Royal Bed có giá 175.000 USD do hãng sản xuất giường Savoir Beds (Anh) sản xuất”.

Thật đáng ngưỡng mộ số tiền đại gia Lê Ân bỏ ra với lời xác định của chính đương sự là tranh tiếng với 60 đại gia thế giới khi ông là người đầu tiên được hãng sản xuất nhận bán.

 Ông Ân đã thắng 59 người kia mà có lẽ 58 người trong họ là Tàu. Bọn nhà giàu bây giờ biết nơi để tập trung lắm, chúng không còn lựa các nước Tây phương mà đến, chúng kéo nhau ùa về Tàu, về Việt nam và mới đây có tin uà cả về cái xứ Bắc Triều Tiên nữa. Thật là thông minh.

Ông Lê Ân và những người ngưỡng mộ chiếc giường được gọi là siêu khủng ấy đang ngày ngày chờ xem mặt mũi của nó ra sao. Và như thông thường, dám cuộc không sợ thua, chỉ sau một ngày thôi thì niềm hưng phấn ấy trôi tuột như tiếng chặt lưỡi của loại thạch sùng trong đêm vắng. 

Người nào bỏ công lặn lội ra Vũng Tàu xem chiếc giường sẽ quay về nhà với sự tiếc rẻ vì không được ngồi thử lên trên để biết độ êm của nó. Xem giường mà không được nằm lên không khác nào làm tình nửa chừng bị hất văng xuống đất.

Giường để nằm chứ không phải để xem, đó là chân lý.

Khi ông Ân và cô vợ trẻ nằm lăn lộn ấy họ nghĩ đến sự thèm thuồng của hàng ngàn kẻ xem giường và việc này sẽ là yếu tố khiến hai ông bà mãn nguyện trước tiên. Sự thèm thuồng của họ làm cho ông Ân, vốn đã trên 75 hưng phấn thêm khi thi hành công đoạn tiếp theo. 

Quần chúng xếp hàng xem giường như đi xem lăng là liều thuốc cực mạnh bơm vào lòng tự mãn của đại gia Lê Ân và vì vậy những bài báo quảng cáo chiếc siêu giường ấy đáng được đại gia này cho một ít tiền “boa” khi đã tận tụy ngắm nghía, phân tích, sờ nắn từng centimet một những cấu trúc của chiếc giường siêu khủng ấy.

Không một luật lệ nào cấm người ta xài tiền. Hơn nữa ông Lê Ân đã làm nhiều việc mà báo chí mô tả là từ thiện. Ông Lê Ân có quyền hả hê trước đồng tiền mình bỏ ra sau khi đã chi cho xã hội nhiều công ích. Ông tuyên bố sẽ xây căn nhà 150 tỷ làm trụ sở cho những việc công ích ấy đã cho thấy ông có tấm lòng với tha nhân như thế nào, còn việc chiếc nhà 150 tỷ có chứa hết bao nhiêu hồ sơ từ thiện ông sẽ làm hay không thì phải chờ sau khi ông mất người ta mới tổng kết được.

Ông Ân muốn theo chân các tỷ phú Mỹ như Bill Gate hay Warren Buffett thì thật là phúc đức cho người nghèo nói tiếng Việt. Ông cho xây nhà lớn như thế thì ắt những vật phẩm từ thiện sắp được phân phát không thể nào nhỏ. Vậy mà có kẻ ác miệng gọi ông là thí mẩu bánh cho người nghèo để câu khách không...nghèo vào khu du lịch của ông. Luận điệu phá hoại niềm tin như thế không thể chấp nhận được. 

Nhưng chiếc giường của ông Ân vẫn làm nhiều người...trằn trọc. Không phải vì không được nằm lên mà vì cảm thấy nó lấn cấn. Lấn cấn vì chiếc giường của đại gia này làm cho xã hội chia thành ba phe.
Phe thứ nhất nhiệt tình cổ võ cho ông Ân vì khâm phục sức chơi quá khủng của ông. Khâm phục và tự nhủ lòng nếu có tiền như vậy họ sẽ chơi trội hơn để tìm cảm giác được người khác khâm phục. Cảm giác làm vua không ngai ấy đang được nhân rộng ra, tâng bốc lên qua phương tiện truyền thông và không có gì cho thấy hiện tượng này sẽ dần dần biến mất hay ít đi.

Phe thứ hai khinh bỉ ra mặt và chỉ chửi...trong lòng hay cùng lắm là giữa các cuộc cà phê hay bữa nhậu. Lấy lý do nào đấu tố ông Ân khi đồng tiền bỏ ra là của ông ấy? Người cùng nằm trên giường với ông là bà vợ có hôn thú của ông ta cho dù bà ấy chỉ hơn hai mươi tuổi. Tuổi tác cũng là mẫu số của đồng tiền vậy thì có gì là xấu? Khác xa với Dương Chí Dũng, lấy tiền nhà nước mua nhà cho bồ nhí nên bị trảm thì cũng đáng đời rồi.

Chả lẽ lại bới móc chuyện ông Ân còn một đống con cháu thất cơ lỡ vận đang được báo chí soi mói? Ô hay, chúng nó lớn cả rồi, ông còn phải có đời sống riêng của ông nữa chứ? Mà có cái gì riêng cụ thể hơn một chiếc giường trong phòng ngủ?

Phe thứ ba: đọc tin này như một vết cắt nhức nhối trong lòng nhưng khó thể lên tiếng. Cái đau của người không đủ tiền để mua ly trà đá sau một cuốc xích lô cho khách. Phe này nhiều lắm, chiếm hơn phân nửa toàn xã hội Việt Nam. Họ là những công nhân mài miệt trong các nhà máy nước ngoài để lãnh những đồng tiền nội tệ ít ỏi. Họ là những nông dân mất ruộng, rổ rá ra đồng mót từng hạt lúa lép để sống còn. Họ là những công dân nhập cư đang trôi nổi khắp phố phường với đủ thứ nghề từ bán vé số tới bán cả thân thể của mình để kiếm từng ngàn bạc.

Chiếc siêu giường không có chỗ cho sự tưởng tượng của họ vì trong trí óc của hầu hết những con người ấy chén cơm, manh áo lớn hơn hàng ngàn lần cái giường kỳ khôi của đại gia Lê Ân.

Ông Ân đã trải qua tù tội, nghèo nàn và thậm chí bị khinh bỉ nữa. Có lẽ việc mua giường của ông là hành động trả thù đời chăng? Nếu thế thì trả thù ai đây? Không lẽ trả thù mấy chiếc giường xi măng giá lạnh trong trại giam hay mấy manh chiếu rách khi ông còn hàn vi nằm phơi giữa chợ như ông từng kể?

Nếu thế thì tội nghiệp cho những người nghèo, tội phạm đang nằm trên đó như ông ngày xưa. Nếu biết được sự trả thù này có lẽ họ sẽ không ngủ được vì nỗi ám ảnh lẫn ước mơ không bao giờ thành sự thật với câu chuyện thần tiên của chiếc giường bạc tỷ. 

Nhưng cũng may, có một câu chuyện khác làm cho người nghèo ngủ được.

Liều thuôc ngủ không tốn một xu để mua nhưng giá trị của nó không thể phủ nhận.

Thay vì nằm trên chiếc giường bạc tỷ để thỏa mãn cảm giác tìm sự thần tiên hí lộng, người ta có quyền bồng bềnh trên một tấm bảng viết lời nhân bản, yêu thương của đồng loại. 

Đồng loại được viết hoa chữ NGƯỜI qua cách nắn nót trên một tấm bảng đen học trò: "Sửa xe đạp. Các cháu học sinh cấp 1, 2 đi học qua đây nếu bị hỏng xe ông sửa ông không lấy tiền, (nếu) ông chưa sửa kịp (thì) ông đưa đến trường. Ông Tâm". 

Tấm bảng của một ông già tên Tâm, 63 tuổi đang cư ngụ tại xóm 4, thôn Cầu Cảng, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội tự nguyện sửa xe không công cho các cháu đã làm rúng động mạng Internet. Sức rung chấn hơn hẳn chiếc giường của đại gia Ân.

Chiếc giường Royal Bed nếu đặt bên cạnh tấm bảng đen chữ viết bằng phấn trắng của ông Tâm sẽ là một thảm họa. Thử tưởng tượng khi hai vật ấy đặt bên nhau người ta, bất cứ là ai, sẽ xúc động vì tấm bảng hay chiếc giường?

E rằng hãng Savoir Beds sẽ kiện ông Tâm vì theo quảng cáo của họ thì chiếc giường này là phương tiện tuyệt hảo giúp người ta chìm sâu vào giấc ngủ, thế nhưng khi đặt bên cạnh chiếc bảng đen phấn trắng của ông thì nó trở thành nỗi ám ảnh, thù hằn của người nghèo và họ chọn tấm bảng như một thái độ trân trọng trước tấm lòng của người đối với người.

Của cho không bằng cách cho. Chiếc giường làm cho đại gia ngủ ngon cùng vợ nhưng lại khiến nhiều người mất ngủ mặc dù đại gia hứa là sẽ hiến tặng rất nhiều cho người nghèo.

Ông Tâm xe đạp không cho. 

Ông dâng hiến công sức, thời gian và kể cả sự khiêm nhượng tận cùng của mình cho con người, vật phẩm của thượng đế. Viết lên tấm bảng những lời lẽ đầy nâng niu như sợ các con người như ông đau đớn ông đã làm không ít người lớn đau đớn vì hành động đẹp đẽ của ông. Họ đau đớn vì nhận ra mình đã quá lâu sống trong ảo tưởng mà chiếc giường của ông Ân là một điển hình.

Đó là nói về phản ứng của những con người, còn các con khác phản ứng ra sao thì có ma mới biết.






Wednesday, December 4, 2013

Học xuất bản sách ebook trên mạng


ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM. Anh Nguyễn Vạn Phú, một tác giả có uy tín với những tựa sách đã được bạn đọc biết tiếng như "Chuyện chữ & nghĩa", NXB Trẻ năm 1997; "Tiếng Anh lý thú", NXB TPHCM năm 2000 và "Tiếng Anh theo dòng thời sự", NXB Trẻ năm 2008. Anh trao đổi "Tự xuất bản - tại sao không?".

Tôi tâm đắc với ý kiến của anh: "
Chuyện hy vọng làm giàu nhờ xuất bản sách điện tử coi như quên đi thôi. Có thể tiền thu về chưa đủ trang trải chi phí nhờ gõ bản thảo, trình bày bìa sách! Nhưng niềm vui chia sẻ sách với bạn bè cũng đáng công sức bỏ ra. Cứ thử tự xuất bản xem sao. Tại sao không?"

"Smashwords có lời khuyên rất thực tế là, hãy lo tác phẩm của bạn bị rơi vào quên lãng hơn là lo chuyện bị ăn cắp, bị sao chép lậu! Kinh nghiệm của tôi trong chuyện sao chép là Smashwords nói đúng. Trừ phi tác phẩm của bạn là một kiệt tác, ít ai nghĩ đến chuyện phát tán nó lên mạng. Hay nói cách khác, việc tác phẩm của bạn bị sao chép trên các diễn đàn là một lời khen tặng sách mà không nhà phê bình nào có thể so sánh được. Gặp trường hợp đó, bạn nên gởi thư đến diễn đàn đang cho tải miễn phí sách, tất cả theo kinh nghiệm của tôi, đều gỡ ngay sách bị sao chép lậu. Ngược lại, cả hai nơi Amazon và Smashwords đều bắt bạn phải cam kết bạn là người chủ sở hữu bản quyền tác phẩm muốn xuất bản trước khi chấp nhận (việc cam kết này đơn giản là lời tuyên bố copyright ở trang sách đầu tiên mà thôi)."

Theo tôi - HK- đây là ý kiến tâm huyết cần đọc lại và suy ngẫm cho những nhà giáo, nhà văn, nhà biên dịch ... có tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục văn hóa để những viên ngọc di sản  của người Việt và tri thức lịch sử văn hóa nhân loại được tiếp tục dâng hiến bạn đọc.

 Xin chép lại bài viết của anh Nguyễn Vạn Phú trên blog và chút công việc yêu thích mà tôi đang làm. Tận tình khai mở hướng nghiệp cho lớp trẻ để cùng họ dấn thân trong sự nghiệp nâng cao dân trí và trồng người, đó là việc cần nhiều sự học hỏi và chia sẻ. (Ảnh đầu trang: sách Đường sống của Lev Tonstoi để minh họa giá trị văn hóa đọc)


Tự xuất bản – tại sao không?

Nguyễn Vạn Phú 


Thấy thiên hạ tại các nước đua  nhau tự xuất bản sách dạng ebook trên Amazon, tôi tự nhủ sao mình không thử xem sao. Quá trình tự xuất bản sách này có nhiều điều đáng chia sẻ.


Muốn xuất bản dĩ nhiên đầu tiên bạn phải có bản thảo sách. Tôi đã từng xuất bản ba cuốn sách về tiếng Anh theo dạng in trên giấy truyền thống, gồm "Chuyện chữ & nghĩa", NXB Trẻ năm 1997; "Tiếng Anh lý thú", NXB TPHCM năm 2000 và "Tiếng Anh theo dòng thời sự", NXB Trẻ năm 2008. Nay thử tái bản chúng theo dạng eboob xem sao. Cũng may, cuốn thứ ba vẫn còn lưu file nên khỏi đánh máy trở lại. Hai cuốn đầu in đã lâu nên không còn file, phải nhờ dịch vụ vi tính gõ lại từ đầu.

Sau đó là chọn nơi xuất bản. Có lẽ ai cũng biết Amazon (kdp.amazon.com), vừa là nơi bán sách, vừa là nơi giúp tác giả tự xuất bản sách điện tử để đọc trên thiết bị Kindle của họ. Một địa chỉ khác cũng khá phổ biến là Smashwords (www.smashwords.com). Ở Việt Nam hiện đã có nhiều nơi bán sách điện tử như Alezaa (alezaa.com) hay Ybook (ybook.vn) nhưng tất cả đều chưa có hệ thống giúp tác giả xuất bản sản tự động. Với Amazon hay Smashwords, quá trình xuất bản là hoàn toàn tự động, các bạn không cần phải gởi email liên lạc với ai, không cần nói chuyện bằng tiếng Anh với ai cả. Dĩ nhiên sách của bạn phải đáp ứng một số điều kiện do các nơi này đặt ra.

Điều kiện đầu tiên là định dạng (format) sách cuốn sách bạn sắp xuất bản. Lưu ý nguyên tắc đầu tiên là đơn giản, đơn giản và đơn giản. Càng đơn giản chừng nào càng dễ được chấp nhận chừng đó. Lấy ví dụ, sách điện tử được đọc trên đủ loại thiết bị, to có nhỏ có nên chắc chắn không có chuyện đánh số trang (thiết bị sẽ tự động gán số trang tùy theo kích cỡ màn hình); không có chuyện trình bày tên sách hay tên tác giả dưới chân mỗi trang hay trên đầu các trang. Font chữ càng ít càng tốt, co chữ lớn nhất (dù là tựa sách) cũng chỉ được đến 18.

Smashwords có cho phép các tác giả tải về cuốn hướng dẫn định dạng sách ebook mà bất kỳ ai muốn tự xuất bản đều phải đọc qua. Sách hướng dẫn khá dày nhưng nhìn chung cũng đơn giản với những quy tắc như không được dùng tab để thụt vào đầu dòng mỗi đoạn, không được nhấn enter (nhằm để xuống dòng) quá bốn lần (vì như thế sẽ tạo ra một trang trắng)... Sách không nên dùng các định dạng đặc biệt như đầu mỗi chương dùng chữ lớn (drop cap), gióng thẳng hàng các dòng chữ bằng bảng ( table) ... Việc tách bạch giữa các đoạn phải dùng chức năng tùy chỉnh của Word chứ không được làm thủ công.

Có lẽ các bạn đều đã biết sách điện tử có nhiều định dạng. Phổ biến nhất là epub (để đọc trên phần mềm iBooks mà máy iPad thường sử dụng) hay mobi, prc (để đọc trên máy Kindle hay phần mềm Kindle chạy trên nền Android, iOS...). Một ít người thích đọc ở dạng pdf hay dạng html. Sách Kindle mua trên Amazon thì thường có đuôi là azw. Vậy làm sao bạn có thể chuyển bản thảo sang đủ loại định dạng này?

Điều may mắn là bạn không cần làm gì hết. Với Smashwords, bạn chỉ cần chuẩn bị một file Word và một file ảnh bìa (jpg); với Amazon, bạn nên chuẩn bị file html (có sẵn trên Word, khi chọn Save as), hai nơi này sau đó sẽ tự động chuyển đổi sang mọi định dạng cho bạn. Ảnh bìa nên nhờ người có tay nghề trình bày cho đẹp, kích cỡ 1600x2400 pixels. Với Smashwords thì các file tải về không có khóa (có nghĩa dễ bị tung lên mạng cho sao chép chùa), với Amazon, bạn chọn có khóa hay không khóa, tùy ý. Smashwords có lời khuyên rất thực tế là, hãy lo tác phẩm của bạn bị rơi vào quên lãng hơn là lo chuyện bị ăn cắp, bị sao chép lậu!

Kinh nghiệm của tôi trong chuyện sao chép là Smashwords nói đúng. Trừ phi tác phẩm của bạn là một kiệt tác, ít ai nghĩ đến chuyện phát tán nó lên mạng. Hay nói cách khác, việc tác phẩm của bạn bị sao chép trên các diễn đàn là một lời khen tặng sách mà không nhà phê bình nào có thể so sánh được. Gặp trường hợp đó, bạn nên gởi thư đến diễn đàn đang cho tải miễn phí sách, tất cả theo kinh nghiệm của tôi, đều gỡ ngay sách bị sao chép lậu. Ngược lại, cả hai nơi Amazon và Smashwords đều bắt bạn phải cam kết bạn là người chủ sở hữu bản quyền tác phẩm muốn xuất bản trước khi chấp nhận (việc cam kết này đơn giản là lời tuyên bố copyright ở trang sách đầu tiên mà thôi).

*

Sau khi đã chuẩn bị xong bản thảo, đăng ký tài khoản ở Smashwords hay Amazon, bạn vào và thao tác theo hướng dẫn trên màn hình. Lần lượt từ gõ tên sách (cứ gõ tiếng Việt có dấu), miêu tả tóm tắt sách (nên chuẩn bị trước, một bản ngắn một bản dài), định giá bán (tùy ý nhưng nên chọn giá thấp dễ bán nhiều sách hơn là chọn giá cao), tỷ lệ cho phép tải về để đọc miễn phí trước, các định dạng muốn chuyển đổi (nên bỏ bớt các định dạng rtf hay txt vì vấn đề bản quyền). Sau khi tải lên hình bìa và file bản thảo (ở dạng Word – Smashwords; dạng html – Amazon), bạn chỉ cần chờ ít phút cho phần mềm của họ chuyển đổi và ô là lá, sách của bạn đã được xuất bản (với Amazon thì phải chờ từ vài tiếng đến vài ngày).

Thật ra đa phần các bạn tự xuất bản lần đầu tiên sẽ không được suôn sẻ như thế. Bị dính một lỗi định dạng nào đó thì phần mềm của các nơi này sẽ từ chối và thông báo cho bạn chỉnh sửa. Nếu kiên nhẫn, trước sau gì cũng thành công. Một khi đã xuất bản thành công trên Smashwords, sách của bạn cũng được tự động phân phối trên các kênh của Apple iBookstore, Barnes & Noble, Sony, Kobo, thậm chí của Amazon nữa...

*  

Cái cảm giác xuất bản một cuốn ebook trên mạng, rồi ngồi chờ người vào mua là một cảm giác... khó quên. Smashwords có chức năng thông báo tự động bằng email bất kỳ lúc nào có người vào mua sách. Thật không có gì vui bằng nhận thư báo có người vừa chịu khó đăng ký account ở Smashwords, rồi chịu khó tìm cho ra sách của mình, và can đảm gõ số thẻ tín dụng vào (thật ra hoàn toàn yên tâm vì Smashwords giao cho Paypal lo chuyện thanh toán) để tải sách của bạn về đọc (để yên tâm hơn nữa bạn cứ mua bằng Paypal, tức không phải khai số thẻ tín dụng). Vấn đề hình như không phải là chuyện tiền bạc mà là cái cảm giác tác phẩm của mình được một ai đó chịu bỏ tiền ra mua để đọc! Ngồi nhìn hộp thư email báo kính cong, kính cong... con số sách bán được nhảy lên từng giờ là một trải nghiệm đáng nhớ.

Tuy nhiên Smashwords cho biết đa số tác giả sẽ không có được cảm giác này. Bởi đâu dễ gì người ta biết bạn vừa xuất bản sách trên mạng. Thế là phải tìm cách phương thức “tiếp thị” cho sách của bạn. Đến đây mới thấy sự lợi hại của các mạng xã hội như Facebook giúp lan tỏa tin sách vừa in. Tác giả nào không có Facebook, không có blog, không có Google Plus, xem như thua.

Một cách quảng bá sách mới in là tặng sách cho bạn bè để nhờ đó truyền miệng rộng ra. Smashwords cho phép bạn tạo ra những coupon (phiếu) tặng sách, bạn có thể chọn giảm giá đến 100% (tức miễn phí hoàn toàn), chọn thời gian giảm từ vài ngày đến cả tháng, rồi thông báo cho bạn bè biết mã số để họ vào và tải sách về, cũng từ Smashwords.

Cuối cùng, dù chuyện tiền bạc không quan trọng vì chắc chắn bạn sẽ không thu được bao nhiêu nhưng có lẽ ai cũng tò mò muốn biết. Smashwords chia cho tác giả đến 75% doanh thu, họ chỉ lấy 25% tiền hoa hồng; Amazon thì lấy mạnh tay hơn, chỉ chia cho các tác giả ở ngoài nước Mỹ 35%, họ lấy đến 65%. Smashwords trả theo quý, tức đến hết quý họ mới trả cho tác giả một lần và trả bằng Paypal. Bạn phải có account ở Paypal để nhận tiền và tiền này dù có thể chuyển về tài khoản ngân hàng hay tài khoản thẻ tín dụng, chắc ít ai chuyển mà dùng để mua đồ trên mạng. Rất nhiều nơi bây giờ nhận thanh toán bằng Paypal. Amazon thì đợi đủ 100 đô-la Mỹ thì họ sẽ chuyển séc cho bạn nếu bạn ở bên ngoài nước Mỹ. Chưa hết, trước khi chi trả cả hai đều khấu trừ thuế thu nhập cá nhân giùm cho chính phủ Mỹ, lên đến 30% thu nhập!

Chuyện hy vọng làm giàu nhờ xuất bản sách điện tử coi như quên đi thôi. Có thể tiền thu về chưa đủ trang trải chi phí nhờ gõ bản thảo, trình bày bìa sách! Nhưng niềm vui chia sẻ sách với bạn bè cũng đáng công sức bỏ ra. Cứ thử tự xuất bản xem sao. Tại sao không?

Link đến các sách:

Tám chuyện tiếng Anh (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)Tiếng Anh lý thú (Smashwords), (Amazon), (Alezaa) Chuyện chữ & nghĩa (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)

Nguồn: Blog Nguyễn Vạn Phú


Những trang sách ebook đang viết




Chào ngày mới CNM365



Chào ngày mới CNM365
Hello new day CNM 365 Chào ngày mớiCám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày mới để yêu thương
Chào ngày mới 30 tháng 11 (see more hello new day)
THUNG DUNG

“Hãy học thái độ của nước mà đi như dòng sông!”

cropped-linhgiang.jpg

Cassava and VietnamVideo yêu thích http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
Hoàng KimNgọc Phương NamThung dungDạy và họcCây Lương thựcHọc mỗi ngàyDanh nhân ViệtKimTwitterKimFacebookKimYouTubeFood Crops NewsCassavaVietfoodcrops.vn